Khoa học - Công nghệ

Chọn khoa học - công nghệ làm động lực cho tái sản xuất nông nghiệp

Thứ Ba, 09/06/2015 | 10:04

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định: khoa học - công nghệ (KH-CN) là một trong những động lực quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu.

Gỡ khó cho nông dân

Có thể nói, công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua đã góp phần to lớn vào việc giúp bà con nông dân giảm bớt thiệt hại, chủ động phòng tránh rủi ro, khắc phục được những khó khăn mới nảy sinh do quá trình sản xuất tạo ra. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng nông, lâm, thủy sản.

Trưng bày rau màu được sản xuất theo hướng VietGAP góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản. Ảnh: T.A


Điển hình trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học giúp bà con nông dân giảm thiệt hại trong nuôi tôm, góp phần bảo vệ môi trường như: sử dụng chế phẩm vi sinh BZT khống chế mật độ vibrio spp và hạn chế sử dụng hóa chất trong nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp trong điều kiện cấp nước không chủ động ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, giúp nông dân giảm thiệt hại do thiếu nước mặn; nghiên cứu thành công công nghệ ương cá chẽm từ giai đoạn cá hương lên cá giống; xác định được một số bệnh thường gặp, vi khuẩn gây bệnh trên cá kèo giúp nông dân chủ động phòng tránh... Hay trong lĩnh vực sản xuất rau màu, đã chọn lọc được 2/6 giống ớt ít sâu bệnh cho năng suất cao là giống 447 và 207 giúp nông dân trồng thu lãi cao; nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình phòng bệnh thối nhũn trên hành lá, phòng trị bệnh khô cành sọc trên cây măng tây, xây dựng thành công mô hình trồng hẹ theo hướng VietGAP... Hoặc trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, ngành Nông nghiệp cũng nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều mô hình, dự án như: nghiên cứu nhiễm vi sinh vật trên thịt bò tại các lò giết mổ và các điểm bày bán thịt tại chợ, và đưa ra quy trình giết mổ vệ sinh cùng các biện pháp ngăn chặn nhiễm vi sinh gây hại cho người tiêu dùng; nghiên cứu và thử nghiệm thuốc phòng trị bệnh cho cá sấu, trị bệnh trên heo, gia cầm...

Ngoài những công trình nghiên cứu phục vụ phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp còn nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều mô hình, dự án góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững và tạo tiền đề quan trọng cho thực hiện thắng lợi Đề án tái sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như: Phát triển và lưu giữ các làng nghề truyền thống, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp...

Đánh giá về hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH-CN trong sản xuất nông nghiệp, tiến sĩ Phan Hồng Thái, Sở NN&PTNT tỉnh khẳng định: “Với những kết quả đạt được, hoạt động KH-CN ngày càng khẳng định vai trò là động lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn”.

Vẫn còn hạn chế

Theo bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh: Hoạt động KH-CN trong thời gian qua, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là sự phát triển của KH-CN còn chưa tương xứng, đáp ứng được yêu cầu của CNH-HĐH ngành Nông nghiệp. Các tiến bộ KH-KT còn chậm được ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng vào thực tế sản xuất. Cụ thể nhiều mô hình sản xuất còn thiếu bền vững, giá trị sản xuất trên một đơn vị sản xuất còn thấp so với tiềm năng.

Bên cạnh đó, sự phối kết hợp với các ngành còn chưa tốt, nên các đề tài nghiên cứu còn chưa trọng tâm, có quy mô nhỏ, kéo theo chất lượng thấp, khả năng ứng dụng vào sản xuất chưa cao. Đề tài đăng ký, đề xuất nhiều, nhưng số lượng được cho thực hiện ít, vì kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học ít. Như 30 triệu đồng đối với đề tài cấp cơ sở gây khó khăn trong nghiên cứu, ứng dụng, nhất là lĩnh vực thủy sản, thủy lợi. Do vậy, kiến nghị Sở KH-CN tham mưu cho UBND tỉnh nâng mức thực hiện đề tài cơ sở lên 50 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực quan trọng, cấp thiết của ngành Nông nghiệp cần có cán bộ khoa học, nhưng thiếu cán bộ chuyên môn như: xét nghiệm, chẩn đoán bệnh...

Để hoạt động KH-CN thật sự trở thành động lực cho tái sản xuất nông nghiệp và đưa KH-CN tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, cùng với thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, kiện toàn tổ chức, ngành Nông nghiệp sẽ ưu tiên cho các đề tài, dự án trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng tạo ra hàng hóa cho năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và có sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh...

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.