Khoa học - Công nghệ

Định hướng chiến lược phát triển toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 20/10/2017 | 16:22

Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra vào cuối tháng 9/2017 tại TP. Cần Thơ. Những ý kiến đóng góp, thảo luận, trao đổi tại hội nghị của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học và các tỉnh ĐBSCL sẽ là cơ sở định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện để Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL. Báo Bạc Liêu trích đăng một số ý kiến tại hội nghị này.

* Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL

ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổng diện tích 3,94 triệu héc-ta và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. ĐBSCL là 1 trong 4 đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng. Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung. Các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL ứng phó với BĐKH…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường:

Tập trung thi công các công trình chống sạt lở

Trong các giải pháp thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL, giải pháp thủy lợi được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Hiện nay, ĐBSCL diễn biến sạt lở rất nhanh. Toàn ĐBSCL có 563 điểm sạt lở bờ biển, bờ sông với chiều dài hơn 780km. Trong đó có 49 điểm bờ biển bị sạt lở với chiều dài 266km và 513 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài 520km. Sạt lở bờ biển, bờ sông ảnh hưởng đến sinh mạng, sản xuất, kinh doanh, tài sản của người dân khu vực ĐBSCL. Bộ NN&PTNT sẽ tập trung triển khai thi công các công trình và phi công trình để ứng phó, ngăn chặn sạt lở. Về lâu dài, sẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng cụ thể từng tỉnh, thành và toàn khu vực ĐBSCL để lập quy hoạch trình Chính phủ xem xét, phê duyệt thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Dương Thành Trung:

Cần sự liên kết vùng chặt chẽ

Nước biển dâng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ĐBSCL, nhất là vùng cuối nguồn như Bạc Liêu, Cà Mau. Là một trong những tỉnh có diện tích lớn tiếp giáp với biển, những năm gần đây, người dân ven biển Bạc Liêu chịu ảnh trực tiếp triều cường dâng cao vào những tháng cuối năm và sau Tết Nguyên đán. Trước tình hình BĐKH, nước biển dâng và mặn xâm nhập, Bạc Liêu chuyển dần những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm hoặc 1 vụ lúa - 2 vụ tôm. Với cách làm này, Bạc Liêu đã chuyển dần diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng sang sản xuất mô hình lúa - tôm thích ứng với BĐKH và mang lại hiệu quả khá cao.

Theo tôi, để “sống chung” với BĐKH, cần có sự liên kết vùng chặt chẽ. Đối với vùng sản xuất lúa ổn định như Đồng Tháp, An Giang…, vùng đầu nguồn có nước ngọt lợi thế thì nên ổn định sản xuất lúa và xác định đây là vùng trọng điểm cho cả quốc gia, giữ vai trò an ninh lương thực. Vùng mặn ngọt xen canh như Cà Mau, Bạc Liêu, một phần của Kiên Giang thì nên chuyển đổi sang cây trồng thích hợp hoặc nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển bền vững...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Nguyễn Tiến Hải:

Tận dụng những lợi thế để tổ chức sản xuất phù hợp

Với quan điểm thích ứng với BĐKH, Cà Mau sẽ tính toán lại quy hoạch một cách thích hợp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phải đảm bảo thực hiện các quy hoạch đó một cách nghiêm túc. Để thích ứng với BĐKH, chúng ta không chống lại thiên nhiên mà phải cố gắng thích ứng các điều kiện đó để tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống người dân phù hợp. BĐKH vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các địa phương ở vùng ĐBSCL, trong đó có Cà Mau. Cà Mau sẽ phát huy và tận dụng những lợi thế, cơ hội này để tổ chức sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo đời sống của người dân…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Mai Anh Nhịn:

Chuyển đổi mô hình sản xuất theo đặc trưng của từng tiểu vùng

BĐKH và nước biển dâng tác động rõ nét nhất đến tình hình sản xuất là việc xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội đồng vùng ngọt ổn định, làm cho chúng ta phải nghĩ đến việc chuyển đổi sản xuất. Cũng như các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau…, Kiên Giang từng chuyển đổi nhiều mô hình sản xuất khác nhau theo đặc trưng của từng tiểu vùng, như có vùng sản xuất luân canh lúa - tôm, vùng luân canh tôm - rừng và vùng sản xuất chuyên tôm. Vì vậy, cần phải có quy hoạch và chuyển đổi sản xuất theo từng tiểu vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên và phù hợp với tình hình BĐKH…

Ông Hermen Borst, Phó Cao ủy đồng bằng Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam:

Cần một tầm nhìn dài hạn để xây dựng những giải pháp hiệu quả

Cũng như ĐBSCL (Việt Nam), ở Hà Lan chúng tôi chủ trương đẩy mạnh việc phối hợp liên vùng giữa Chính phủ và các tổ chức chính quyền quản lý tại địa phương để lập ra những kế hoạch hành động dài hạn. Đây chính là yếu tố quan trọng và cần một tầm nhìn dài hạn để xây dựng những giải pháp hiệu quả. Tình trạng nước biển dâng làm ngập lụt và xâm nhập mặn tại ĐBSCL hiện nay, thì những dự án, đề án tại Việt Nam mà các bạn tiến hành cần phải có kế hoạch dài hạn. Tại Hà Lan, Ủy ban chuyên trách cụ thể về vấn đề đồng bằng, có vai trò rất hữu ích trong việc kêu gọi hợp tác giữa các bên có liên quan…

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Hỗ trợ xây dựng hệ thống cung cấp nước ngọt ổn định cho 7 tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ

Chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban quốc tế sông Mekong để giúp Việt Nam thực hiện dự án quy hoạch tổng thể ĐBSCL. Đánh giá thực tế hiện trạng của đồng bằng để đề ra các giải pháp, chiến lược lâu dài. Về  kinh phí, chúng tôi có Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL, không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn giúp cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng dân cư khu vực sông Mekong. Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch xây dựng hệ thống cung cấp nước ngọt ổn định cho 7 tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ và đầu tư phát triển đường thủy. Tôi tin rằng sự kết hợp phát triển hạ tầng, cải thiện cuộc sống và ứng phó thiên tai sẽ là giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới.

MINH ĐẠT (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.