Khoa học - Công nghệ

Huyện Phước Long: Nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào sản xuất

Thứ Sáu, 10/10/2014 | 18:00

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao (TN&CG) khoa học - công nghệ (KH-CN) huyện Phước Long đã cùng nông dân ứng dụng thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Những mô hình mới được đưa vào sản xuất giúp nông dân có thể làm giàu trên diện tích đất sản xuất ít, nuôi những loài thủy sản đang dần khan hiếm.

Anh Đinh Văn Trung thành công từ mô hình trồng năn bộp kết hợp thả cá và trồng màu trên bờ ao. Ảnh: P.Đ

Trước đây, năn bộp là một loài cây mọc hoang ở những vùng đất trũng. Phần lớn những vùng đất ấy rất khó trồng lúa, nếu có canh tác thì năng suất cũng bấp bênh. Thời gian qua, năn bộp trở thành một loại rau được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt điều đó, Trung tâm TN&CG KH-CN huyện Phước Long đã khuyến khích nông dân xây dựng mô hình trồng năn bộp kết hợp thả cá và trồng màu trên bờ ao.

Bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học, Trung tâm TN&CG KH-CN huyện đã hỗ trợ nông dân tiền cá giống và giống rau màu. Mô hình được triển khai ở xã Hưng Phú và thị trấn Phước Long. Qua một thời gian thực hiện đã chứng minh sự thành công của mô hình.

Anh Đinh Văn Trung (ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú) cho biết: “Tôi có 4 công ruộng. Trước đây, do đất nhiễm phèn nên làm lúa không trúng, năng suất chỉ đạt từ 30 - 35 giạ/công. Từ ngày chuyển qua trồng năn bộp kết hợp với nuôi cá, trồng màu, tôi lãi gần 100 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi ngày, cây năn bộp cho gia đình tôi nguồn thu ổn định gần 300.000 đồng. Trong ao, tôi nuôi thêm nhiều loại cá nước ngọt như: cá tra, cá sặc rằn, cá lóc… Khi thu hoạch cũng cho lãi hơn 10 triệu đồng. Trên bờ ao tôi trồng các loại rau màu, cây ăn trái như: cà, đu đủ, chuối… tạo thêm nguồn thu cho gia đình”.

Tận dụng trồng loại cây hoang dại thành một loại rau màu là một trong những sáng tạo của huyện Phước Long. Mô hình này còn là giải pháp để cải tạo những vùng đất trũng, phèn của huyện.

Bên cạnh đó, Trung tâm TN&CG KH-CN huyện còn giúp người dân nuôi thành công các loài thủy sản nước ngọt khan hiếm, như con cá trê vàng. Được hỗ trợ từ nguồn vốn của Sở KH-CN, người nuôi cá trê vàng được đầu tư con giống, thức ăn và tư vấn kỹ thuật. Mô hình mang lại cho nông dân hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Văn Sang (ấp Mỹ Tường 1, xã Hưng Phú) - người thực hiện mô hình: “Sau 3 tháng nuôi là cá trê vàng cho thu hoạch. Nuôi cá trê vàng kết hợp với ếch trong mùng lưới ít tốn chi phí. Phân ếch trở thành nguồn thức ăn cho cá. Tôi nuôi 1.000 con ếch, 1.000 con cá trê và đã bán nhiều đợt. Trung bình 1kg cá trê vàng có giá khoảng 80.000 đồng, ếch có giá 45.000 đồng/kg”.

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Giám đốc Trung tâm TN&CG KH-CN huyện Phước Long Phước cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, Trung tâm đã thực hiện các đề tài và chuyển giao cho nông dân sau khi nghiên cứu thành công. Những đề tài tuy không lớn nhưng nó mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Trong đó, các mô hình như trồng năn bộp, nuôi cá trê vàng là minh chứng cụ thể”.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.