Khoa học - Công nghệ

Tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ

Thứ Hai, 25/01/2016 | 16:32

* Nghiên cứu bệnh trên tôm nuôi tại Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh.

* Nuôi tôm sạch theo quy trình vi sinh được ứng dụng KH-CN tại huyện Đông Hải. Ảnh: K.T

Để khoa học - công nghệ (KH-CN) thật sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, năm 2015 Sở KH-CN đã triển khai đầu tư cho nhiều đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giúp nông dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thêm những mô hình sản xuất mới.

NHIỀU NGHIÊN CỨU CHO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

So với các lĩnh vực khác, sản xuất nông nghiệp tập trung nhiều đề tài, dự án nghiên cứu và thu hút nhiều nhà khoa học tham gia. Năm qua, về đề tài, dự án cấp tỉnh, Hội đồng KH-CN chuyên ngành đã tổ chức nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học của 6 đề tài, dự án như: Dự án sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sặc rằn trong ao và trong ruộng lúa kết hợp tại xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi); Dự án xây dựng mô hình sản xuất nhân tạo nghêu giống ở tỉnh Bạc Liêu; đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật và một số giải pháp để cải tiến quy trình nuôi tôm sú công nghiệp ở Bạc Liêu”; Dự án chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm nấm xanh Ometar trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Bạc Liêu...

Theo đó, nghiệm thu 16 đề tài và 4 dự án cấp cơ sở như: Đề tài “Đánh giá tình hình nuôi cá cảnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”; Đề tài “Xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp lai sinh sản quy mô hộ gia đình trên địa bàn xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long); Đề tài “Thử nghiệm nuôi ếch Thái Lan (Rana tigerina) trong vèo (giai) kết hợp thả cá trê vàng trong ao đất ở xã Hưng Phú (huyện Phước Long)”...

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài, dự án đã có những đóng góp thiết thực vào việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH ở từng địa phương.

Cùng với nghiệm thu các đề tài, dự án, năm qua Sở KH-CN còn hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất mới làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đơn cử như hỗ trợ Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh thực hiện đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu”; hỗ trợ Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao KH-CN thực hiện dự án cấp Bộ: “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình làng nghề tre, tầm vông, trúc đan lát theo hướng tập trung kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Phước Long; hỗ trợ Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đổi mới công nghệ sấy giúp nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất; hỗ trợ Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Thiên Phú xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái theo tiêu chuẩn GlobalGap tại xã Định Thành (huyện Đông Hải)...

NHỮNG KIẾN NGHỊ THIẾT THỰC

Năm qua, tuy có cố gắng nhưng hoạt động KH-CN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 12/2015, công tác xét duyệt các đề tài, dự án chỉ đạt 50% so với kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế, kinh phí năm 2015 chủ yếu là cấp cho các đề tài đang thực hiện từ các năm 2013 và năm 2014 chuyển tiếp sang. Bên cạnh đó, quy trình xét duyệt có sự thay đổi, tất cả hồ sơ sau xét duyệt phải trình UBND xin triển khai. Vì vậy, số lượng đề tài, dự án được xét duyệt cho triển khai thực hiện năm 2015 chậm và rất ít.

Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho KH-CN trong năm 2015 còn thấp, dàn trải, chưa tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng điểm, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh; chưa tạo lập được cơ chế, chính sách, tạo nguồn kinh phí cho nhân rộng các kết quả nghiên cứu, các mô hình sản xuất đã được thử nghiệm thành công; việc ban hành cơ chế, chính sách đổi mới về KH-CN ở địa phương còn chưa theo kịp quá trình CNH-HĐH và hội nhập. Hiện còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong quản lý hoạt động KH-CN ở địa phương; chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động KH-CN, thiếu sự gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh. Thiếu cơ chế hiệu quả để hỗ trợ các sản phẩm nghiên cứu KH-CN đủ khả năng ứng dụng vào sản xuất, đời sống...

Để KH-CN phát triển và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, góp phần cho tăng trưởng và phát triển bền vững, Sở KH-CN kiến nghị Bộ KH-CN cần có những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án sau khi nghiệm thu; hỗ trợ tăng cường tiềm lực KH-CN cho tỉnh, nhất là hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức KH-CN để nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức này. Đồng thời, nên có chủ trương thực hiện các chương trình, đề tài mang tính chất vùng để áp dụng rộng rãi cho các tỉnh trong khu vực; có cơ chế phối hợp trong ngành về chia sẻ thông tin trong khu vực đối với các kết quả đề tài, dự án đã được nghiên cứu ứng dụng.

Đặc biệt, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần xem xét cơ cấu tài chính và tăng tỷ trọng trong đầu tư ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy, làm chuyển biến nhanh về năng suất, chất lượng, hiệu quả các hoạt động KT-XH của địa phương. Đồng thời cần có chủ trương, chỉ đạo gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành đóng góp vào sự phát triển KH-CN chung của tỉnh...

BÙI QUANG

Theo kế hoạch công tác năm 2016, Sở KH-CN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như:

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới ở các khâu: Giống, sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch. Đặc biệt chú trọng vào cây lúa, sản xuất muối, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản;

- Triển khai ứng dụng rộng rãi kỹ thuật chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, đưa vào đại trà để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế;

- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào khai thác, tái tạo và bảo vệ các nguồn lợi thủy sản. Nghiên cứu các mô hình sản xuất kết hợp nông - lâm - ngư phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng nhằm sử dụng hiệu quả về tài nguyên, đất, nước;

- Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến phát triển nông nghiệp và các biện pháp phòng chống;

- Ứng dụng KH-CN vào xây dựng, phát triển và khai thác các công trình thủy lợi;

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực của người dân trong việc tiếp nhận chuyển giao các mô hình sản xuất có hiệu quả đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới;

- Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, xử lý môi trường ở các khu công nghiệp của tỉnh;

- Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong các lĩnh vực chế biến nông nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản;

- Ứng dụng các tiến bộ KH-CN trong khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống...

K.T

(tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.