Bạc Liêu: Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Thứ Sáu, 26/01/2018 | 16:04

Bạc Liêu là một trong 13 tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSCL, nằm ở vùng ven biển Đông có điều kiện rất thuận lợi để phát triển nhiều ngành nghề, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo. Với vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển giao thương, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên phong phú, Bạc Liêu trở thành điểm đến lý tưởng để các nhà đầu tư thực hiện các dự án động lực để làm giàu.

Với chiều dài trên 56km bờ biển rất thuận lợi cho việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, nhất là dự án điện gió và điện mặt trời ở Bạc Liêu.

Mô hình lúa - tôm của nông dân huyện Hồng Dân, Phước Long (sinh thái ngọt) thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu. Ảnh: P.T.C

Nguồn lợi đa dạng, phong phú

Bạc Liêu giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đó là vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A (sinh thái ngọt), vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1A (sinh thái lợ), và vùng sản xuất phía Nam QL1A (sinh thái mặn). Ba vùng sinh thái đặc thù này đã tạo nên sự đa dạng về nguồn lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác và xây dựng nhiều mô hình sản xuất như: sản xuất lúa chất lượng cao, trồng hoa màu, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chăn nuôi động vật hoang dã, nuôi tôm nước mặn, nước lợ…

Thời gian qua, nông dân trong tỉnh đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất không chỉ đạt năng suất, chất lượng  cao, mà còn tăng khả năng thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm sạch như: mô hình lúa - tôm, lúa - cá, tôm - cua, tôm - rau màu… Ở vùng sinh thái mặn, doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi trồng và được xếp vào tốp đầu của cả nước. Đó là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP... 

Đặc biệt, với 56km bờ biển và một ngư trường rộng lớn (khoảng 40.000km2), Bạc Liêu rất giàu nguồn lợi cho phát triển nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Trong đó, có nhiều loài thủy sản có trữ lượng lớn và mang lại giá trị kinh tế cao như: tôm biển, mực, cá lạt, cá chim, cua, ghẹ… Tiềm năng này không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, mà còn là mảnh đất màu mỡ để phát triển nghề chế biến các loại thủy sản xuất khẩu ngoài con tôm lâu nay vốn bị xem là bỏ ngỏ (như chế biến mực, các loại cá biển, cua biển…).

Hướng đến tăng trưởng xanh

Với lợi thế giáp biển, khu vực ven biển và biển của Bạc Liêu được dự báo sẽ trở thành vùng kinh tế năng động và tạo nên những sức bật to lớn. Ngoài dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, qua nghiên cứu của các nhà đầu tư, tài nguyên gió và bức xạ mặt trời ở khu vực này rất giàu, phù hợp cho phát triển các nguồn năng lượng sạch, nhất là các dự án điện gió và điện mặt trời trải dài trên 56km bờ biển.

Cụ thể, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7m/s, thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân trên 2.900 giờ/năm; địa hình tương đối bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất; khu vực bãi bồi cứ thay nhau lấn biển nên trở thành điểm lý tưởng để phát triển nguồn năng lượng sạch và hướng đến tăng trưởng xanh.

Theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016 của Bộ Công thương), tổng công suất tiềm năng về điện gió của tỉnh lên đến 2.507MW. Trong khi nhà máy điện gió Bạc Liêu hiện nay chỉ có công suất  gần 100MW.

Cùng với phát triển năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã đưa cảng Gành Hào vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cảng tổng hợp (loại II) với bến chính là bến cảng Gành Hào. Bến cảng này cho tàu trọng tải lên đến 5.000 tấn cập bến với chức năng làm hàng xuất nhập khẩu cho khu vực bán đảo Cà Mau. Cùng với giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát kinh tế biển, khu vực ven biển còn tập trung nhiều điểm du lịch văn hóa, lễ hội và du lịch sinh thái nên rất thuận lợi cho phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, thương mại và dịch vụ…

Xây dựng hạ tầng đồng bộ

Để phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi và các dịch vụ tài chính, viễn thông, thông tin liên lạc… Nhờ đó kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh và khá đồng bộ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tuyến QL: QL1, Quản Lộ Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu và một đường cao tốc Bạc Liêu - Hậu Giang - Hà Tiên nối cửa khẩu Xà Xía qua Campuchia (đã được quy hoạch) sẽ mở rộng giao thương biên giới với các nước Đông Nam Á.

Hệ thống giao thông thủy gồm 23 tuyến kênh, liên kết nhau bằng các tuyến dọc, tuyến ngang, đảm bảo ghe tàu 500 tấn có thể đi lại thuận tiện. Các trục đường thủy quốc gia quan trọng như: tuyến kênh dọc Bạc Liêu - Cà Mau, tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh xáng Gành Hào - Hộ Phòng thông ra biển Đông và các tuyến kênh ngang của địa phương như Giá Rai - Phó Sinh, Hộ Phòng - Chủ Chí... góp phần quan trọng cho Bạc Liêu lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đi cả nước và quốc tế. Với những ưu điểm như chở hàng hóa khối lượng lớn, chuyên chở cự ly dài..., giao thông đường biển đóng vai trò quan trọng và trở thành xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.

Ngoài ra, với hệ thống kênh rạch chằng chịt kết nối với nhau thành một hệ thống liên hoàn, Bạc Liêu có nhiều cửa sông, kênh rạch lớn thông ra biển như: Cửa biển Nhà Mát, kênh Chùa Phật, Cái Cùng và cửa biển Gành Hào. Các cửa sông này tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng, khai thác đánh bắt thủy sản và phát triển kinh tế biển nói chung. Bên cạnh đó, các công trình điện, các khu, cụm công nghiệp đã và đang hình thành cùng với nguồn lao động dồi dào đã qua đào tạo sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tiềm năng và thế mạnh ở Bạc Liêu sẽ là nơi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khai thác; hứa hẹn mang lại nhiều đột phá mới để Bạc Liêu cất cánh cùng với khu vực ĐBSCL và cả nước.

Kim Trung - Hoàng Lam

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.