Khôi phục sản xuất - kinh doanh sau dịch COVID-19:​ Doanh nghiệp cần gì?

Thứ Hai, 06/07/2020 | 16:48

Một trong những giải pháp quan trọng để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh sau dịch COVID-19 chính là tăng cường đầu tư vốn từ các ngân hàng. Bởi phần lớn các chính sách hỗ trợ vừa qua doanh nghiệp gần như chưa tiếp cận được và việc doanh nghiệp tự vượt khó là lựa chọn hàng đầu hiện nay.

Ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hồ Nam phản ánh về những bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ với UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, cho rằng: “Nhiêu khê về thủ tục và các quy định trong thực hiện chính sách hỗ trợ hiện nay đã làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Do vậy, điều doanh nghiệp cần hiện nay chính là sự hỗ trợ từ các ngân hàng để đồng hành với sự quyết tâm và vượt khó của doanh nghiệp”.

Thật vậy, trong các cuộc họp bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 do UBND tỉnh tổ chức, một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp quan tâm chính là giải pháp về tài chính. Bởi cái khó của doanh nghiệp hiện nay là vốn lưu động để thu mua nguyên liệu, trả lương lao động (do vốn lưu động của các doanh nghiệp đã bị “đóng băng” từ hàng tồn kho không thể xuất vì ảnh hưởng của dịch COVID-19). Vì vậy, việc tăng cường đầu tư vốn từ các ngân hàng trong lúc này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, “giải băng” hàng tồn, mà còn tạo cho doanh nghiệp thế chủ động trong ký kết những đơn hàng mới.

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện chính sách tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian qua hiệu quả mang lại không nhiều. Ông T.T.K, Giám đốc một Công ty xuất khẩu thủy hàng đầu của tỉnh, cho rằng: “Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm chỉ là hình thức và doanh nghiệp chẳng được hưởng lợi là bao. Điều doanh nghiệp cần không đơn giản là giảm lãi suất (thậm chí không cần giảm lãi suất) mà chính là các ngân hàng nâng hạn mức tín dụng cho vay từ tài sản thế chấp của doanh nghiệp”.

Theo ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu: “Theo quy định của các ngân hàng, muốn vay vốn mới thì doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, trong khi phần lớn tài sản của doanh nghiệp hiện nay đều nằm trong các ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng cần tăng hạn mức tín dụng thông qua thẩm định lại tài sản thế chấp của doanh nghiệp, vì việc thẩm định tài sản hiện nay là chưa hợp lý”.

Thực tế cho thấy, việc thẩm định giá trị tài sản lâu nay còn nhiều bất cập và chưa sát với thực tế. Cụ thể, giá trị tài sản đem thế chấp ở các ngân hàng chỉ được cho vay khoảng 50 - 70% giá trị thực tế. Trong khi đó, có những hợp đồng tín dụng đã được ký trước đó từ 5 - 7 năm nên giá trị thực tế sẽ cao hơn rất nhiều, nhất là đất đai đều tăng giá theo hàng năm. Vì vậy, việc doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng điều chỉnh giá trị tài sản thế chấp để nâng hạn mức tín dụng mà không cần thế chấp thêm tài sản mới là hợp lý.

TÚ ANH

-----------------------------------------------------------------------------------

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay có 126 khách hàng được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay với tổng số tiền 916 tỷ đồng và có 244 khách hàng được vay mới với tổng số tiền hơn 2.450 tỷ đồng. Từ những con số cụ thể trên cho thấy, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ và tiếp cận vốn vẫn còn khá khiêm tốn.

Các ngân hàng ký kết đầu tư vốn cho doanh nghiệp sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: L.D

Ông Lê Văn Măng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cho biết, cùng với việc tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để tăng cường vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, các tổ chức tín dụng cần chủ động nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng vay vốn do dịch COVID-19 để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ khách hàng ảnh hưởng do dịch COVID-19 và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 - 31/3/2020 cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất - kinh doanh. Chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, miễn giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.