Kinh tế hợp tác - hợp tác xã: Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động

Thứ Tư, 09/08/2017 | 15:06

Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra từ các tổ hợp tác (THT) - hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả là nhờ các THT-HTX này phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các thành viên. Đồng thời, người đứng đầu luôn năng động nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng và khai thác tối đa các lợi thế, nguồn lực vốn có để phát triển.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của THT trồng rau màu ấp Bà Gồng (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân).

Trạm bơm nước gắn với THT sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: L.D

NHỮNG MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ

Lâu nay, khi nói đến nguyên nhân khiến các THT-HTX hoạt động yếu kém, hoặc phải giải thể đều do thiếu vốn. Trên thực tế, nếu xây dựng thành công mô hình quản lý tốt thì vốn không phải là vấn đề của các THT-HTX, mà nhu cầu chính là thị trường tiêu thụ.

Điển hình HTX Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) được thành lập năm 2008 gồm 40 thành viên, với tổng số vốn 200 triệu đồng, đến nay, vốn hoạt động của HTX Nam Hưng đã hơn 1 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chính của HTX là bơm tát nước và dịch vụ nông nghiệp, diện tích đất sản xuất của HTX hơn 50ha.

Ông Nguyễn Hoàng Hương, Giám đốc HTX Nam Hưng, cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, HTX không vay vốn ngân hàng mà chỉ huy động vốn từ các thành viên. Vào mùa vụ, ngoài vốn điều lệ, các thành viên sẽ góp vốn (từ 100 triệu đồng cho đến vài trăm triệu đồng/thành viên). Sau mùa vụ, HTX sẽ chia lợi nhuận cho các thành viên theo tỷ lệ vốn góp vào. Với việc sản xuất 3 vụ lúa/năm, có thành viên thu lãi cả trăm triệu đồng”.

Nếu như các THT-HTX khác cứ trông chờ vào nguồn vốn vay hay vốn hỗ trợ của Nhà nước, thì ở HTX Nam Hưng các thành viên lại tích cực góp vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ban giám đốc HTX luôn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho từng mùa vụ; lấy hiệu quả, lợi nhuận làm động lực khuyến khích các thành viên tăng cường đầu tư sinh lợi, không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

HTX Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) cũng thu hút sự tham gia của các thành viên bằng lợi nhuận khi tham gia HTX. Vụ đông xuân và hè thu năm nay, HTX bao tiêu sản phẩm 1.000ha cho nông dân. Các thành viên tham gia HTX ngoài việc bỏ được tập quán canh tác lạc hậu, sử dụng giống lúa kém chất lượng sang giống lúa chất lượng cao (giống Nàng hoa 9 và Đài thơm), tăng thêm lợi nhuận hơn 500 đồng/kg, còn được cung cấp vật tư nông nghiệp với giá gốc (thay vì phải thông qua nhiều đại lý và tính thêm tiền lãi phát sinh phải trả khi cuối mùa vụ). Qua đó, giúp thành viên HTX trút được gánh nặng chi phí, không phải vay nóng để đầu tư và tăng thêm lợi nhuận từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha so với nông dân không tham gia HTX. Đặc biệt, sản phẩm làm ra luôn được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường trên 100 đồng/kg.

Theo ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường: “Với 3 vụ sản xuất lúa/năm, HTX thu lãi từ 2 - 2,5 tỷ đồng/vụ. Hiện nay, nhiều nông dân muốn tham gia HTX, nhưng quan điểm HTX là chưa mở rộng. Bởi, cần phải làm tốt công tác quản lý, rồi mới phát triển thêm thành viên”. 

Cùng với các HTX trên, một số THT hiện nay cũng khuyến khích nông dân tham gia bằng chính hiệu quả và mô hình quản lý tốt. Đơn cử như ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, trước đây đồng bào dân tộc Khmer chỉ độc canh cây lúa, sản xuất bấp bênh. Thế nhưng, từ khi thành lập THT vào năm 2010, đến nay, hơn 100 hộ tham gia THT đều đã thoát nghèo. Vì ngoài phát triển cây lúa, nông dân còn phát triển thêm rau màu. Ông Danh Ít, Tổ trưởng THT bơm tát nước và sản xuất màu ấp Bà Gồng, cho biết: “Trước khi tham gia THT, nhiều hộ ở ấp Bà Gồng nghèo lắm! Nguyên nhân là do ít đất sản xuất, nhiều hộ chủ yếu phải kiếm sống bằng nghề làm thuê. Song, từ khi phát triển nghề trồng màu, nhiều hộ ít đất vẫn có thể tự sản xuất. Chỉ cần khoảng 20m2 đất và đầu tư tiền hạt giống 20.000 đồng/vụ là họ có thể trồng màu và thu lãi hơn 2 triệu đồng/tháng. Mô hình sản xuất lúa - màu đã giúp nhiều hộ ở ấp này có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha”.

TẬP TRUNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Xây dựng bộ máy quản lý THT-HTX năng động và mang lại hiệu quả kinh tế chính là một trong những giải pháp quan trọng trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các THT-HTX hiện nay. Qua đó ngành chức năng có giải pháp căn cơ hơn trong việc thành lập mới các THT-HTX và kiên quyết giải thể những THT-HTX hoạt động mang tính hình thức, hay chỉ mong tiếp cận các chính sách tín dụng hoặc nhận được các hỗ trợ từ Nhà nước.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác (KTHT) - HTX, từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ thành lập mới 50 THT/năm và từ 15 - 20 HTX/năm, để đến năm 2020 Bạc Liêu có 250 THT (gồm 3.570 tổ viên) và 175 HTX (gồm 41.000 thành viên). Đồng thời đặt ra mục tiêu các HTX đạt khá, giỏi trên 70% và không có HTX yếu kém.

Để hoàn thành mục tiêu này, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT tỉnh, chỉ đạo: “Các ngành, đoàn thể, đơn vị chức năng và Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các THT-HTX hiện có, hỗ trợ THT-HTX khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay. Đồng thời chủ động triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL trên địa bàn tỉnh, nhất là nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch của năm 2017. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tổ chức đăng ký lại hoạt động các HTX theo Luật HTX năm 2012. Chậm nhất đến hết quý 3/2017 thực hiện xử lý dứt điểm các HTX không tổ chức đăng ký lại hoạt động, hoặc hoạt động theo kiểu hình thức, ngưng hoạt động”.

CHÍ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.