Ngành Ngân hàng: Đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp

Thứ Tư, 05/08/2020 | 16:40

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực hiện chỉ đạo này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu ngành Ngân hàng cần tiếp tục tăng cường đầu tư và ưu tiên vốn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại Agribank - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, hoạt động ngân hàng từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm, tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Nguyên nhân chính là hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến tháng 7/2020 là 490 tỷ đồng, chiếm 1,72%/tổng dư nợ.

Tuy nhiên, với quyết tâm đồng hành và chia khó cùng doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại vẫn mạnh dạn đầu tư, với tổng dư nợ cho vay tính đến tháng 7/2020 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 12,92% so với cùng kỳ. Trong điều kiện sản xuất -  kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn tăng đã thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của các ngân hàng trong tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Để đạt được kết quả quan trọng này, phải ghi nhận sự đóng góp của các ngân hàng thương mại. Điển hình như Agribank - Chi nhánh Bạc Liêu đã tích cực thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, Agribank Bạc Liêu đã chủ động tổ chức rà soát, nắm lại tình hình sản xuất - kinh doanh, mức độ thiệt hại của từng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ đó có ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và thực hiện cho vay mới với lãi suất ưu đãi.

Tính đến tháng 7/2020, Agribank Bạc Liêu đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho 27 lượt khách hàng là doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với tổng số tiền 1.045.305 triệu đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hơn 121.200 triệu đồng với 11 khách hàng; dư nợ được giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ là 138.803 triệu đồng; và thực hiện cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 15 lượt khách hàng với tổng số tiền 785.298 triệu đồng. Đặc biệt là tập trung thực hiện cho vay mới và tái đầu tư từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, ưu tiên cho các đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch… bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19…

Ngoài ra, Agribank - Chi nhánh Bạc Liêu còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triển các chi nhánh loại II trực thuộc thực hiện nghiêm túc các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 kịp thời, đúng đối tượng; triển khai có hiệu quả các biện pháp mở rộng tín dụng, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, tuân thủ nghiêm túc các điều kiện cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank…

Từ thực tiễn khó khăn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho thấy, cùng với sự đồng hành và chia khó của các ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần xem xét lại mô hình quản lý đồng vốn, chẳng hạn như việc tổ chức và tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bị đẩy vào cảnh khó khăn và nợ xấu tăng cao do không chủ động được nguồn vốn đầu tư, bị lệ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn từ bên ngoài. Cụ thể, một số doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay bị rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi nhiều đối tác nước ngoài hứa hẹn đầu tư vốn và tiêu thụ hàng hóa. Song, khi dịch COVID-19 xảy ra, các doanh nghiệp này lại tháo chạy và không thực hiện các cam kết về tài chính như đã hứa, khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu không xuất được hàng, lại phải gánh thêm hàng loạt các khoản chi phí phát sinh khi phải vay tiền từ các ngân hàng để mua nguyên liệu chế biến, dự trữ nhưng lại xuất không được?! Thế là nợ xấu tăng cao và doanh nghiệp xuất khẩu này không được các ngân hàng đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt mô hình quản trị dẫn đến phát sinh chi phí và làm giảm lợi nhuận. Đơn cử trong đợt ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “phát sốt” khi xem lại quy trình đưa con tôm vào nhà máy. Nghĩa là con tôm phải trải qua nhiều khâu trung gian làm cho đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp bị phân tán manh mún, đầu tư nhiều nhưng rủi ro cao và luôn trong tình trạng thiếu vốn lưu động.

Có thể nói, ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần này chính là dịp để các doanh nghiệp xem xét lại mô hình tăng trưởng và quản lý dòng tiền. Qua đó, có các giải pháp chủ động về tài chính và phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.