Phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A: Cần khai thác đúng tiềm năng

Thứ Hai, 26/11/2018 | 14:35

Gần 20 năm chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang áp dụng các mô hình sản xuất kết hợp đã làm cho vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A (QL1A) thay da đổi thịt. Song, có một điều đáng trăn trở là các tiềm năng, thế mạnh của vùng Bắc vẫn chưa được khai thác hợp lý, giá trị mang lại còn thấp, sản xuất manh mún, tự phát vẫn là chính.

Sau gần 4 năm khởi công xây dựng, đến nay nhà máy chế biến

cá chình (huyện Hồng Dân) vẫn là “dự án treo”.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thế mạnh kinh tế của vùng Bắc chưa phát huy chính là chưa khai thác đúng các tiềm năng, lợi thế vốn có. Trong đó, việc tái cơ cấu sản xuất còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Tình trạng sản xuất tự phát, nông dân tự “xé rào” và không tuân thủ quy hoạch sản xuất, lịch thời vụ thường hay xảy ra. Một trong những minh chứng cụ thể nhất là nông dân huyện Vĩnh Lợi đã từng đưa nước mặn vào vùng chuyên canh sản xuất lúa để nuôi tôm, làm cho tình trạng nhiễm mặn vùng chuyên lúa và ô nhiễm môi trường sản xuất, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Hoặc tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú trên mô hình sản xuất lúa - tôm vốn bị cấm ở các huyện: Hồng Dân, Phước Long và TX. Giá Rai cũng cho thấy việc “mạnh ai nấy làm” trong sản xuất nông nghiệp ở vùng Bắc. Trong khi đó, việc tuân thủ quy hoạch là một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc trong việc hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn và hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về xuất khẩu hàng hóa.

Phải khẳng định rằng, nguyên nhân dẫn đến tồn tại bất cập này chính là các địa phương ở vùng Bắc chưa xác định đúng đối tượng thế mạnh để tập trung tái cơ cấu, vẫn còn chỉ đạo sản xuất theo kiểu chung chung, hay đơn thuần là thực hiện tốt lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp đưa ra hàng năm mà không chọn đâu là sản phẩm thế mạnh cần tập trung nâng chất và tạo nên những bước đột phá cho sản phẩm đó. Cụ thể như con tôm sú, gần 20 năm chuyển đổi sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - tôm và mô hình sản xuất kết hợp tôm - lúa - cá, thế nhưng sản lượng con tôm mang lại chỉ dừng ở mức 200 - 350kg/ha/năm, tại sao không là 1 tấn/ha/năm. Trong khi con tôm sú được nuôi theo các mô hình sản xuất này luôn bán được giá và ưu tiên về thị trường.

Quan tâm đến điều này để thấy rằng, việc chưa lựa chọn, hoặc lựa chọn chưa đúng đối tượng sản xuất thế mạnh sẽ không phát huy được các tiềm năng, lợi thế vốn có, mà còn gây xáo trộn sản xuất, thậm chí gây lãng phí. Cụ thể như huyện Hồng Dân, từ năm 2013 đã khuyến khích nông dân phát triển mô hình nuôi cá chình và mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng nhà máy chế biến cá chình. Thế nhưng, sau khi khởi công xây dựng vào tháng 3/2015, nhà máy chế biến cá chình nhanh chóng bị xếp xó và dự án phát triển con cá chình cũng “chết yểu”, do chưa phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thực tế!?

Thật ra, dự án phát triển mô hình nuôi cá chình gắn với xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu đã được dự báo sẽ thất bại ngay từ những ngày đầu tiên. Bởi cả huyện Hồng Dân vào thời điểm ấy chỉ có khoảng 3ha nuôi cá chình, với số lượng hơn 1.000 con, trong khi công suất thiết kế của nhà máy đưa ra là chế biến 7 tấn cá/ngày!? Điều đáng nói, Hồng Dân không phải là địa phương giàu về trữ lượng con giống cá chình, mà phải nhập từ bên ngoài và được thu mua theo mùa; chỉ tính riêng sự lệ thuộc này cũng đã thấy khó, vì khâu sản xuất gần như bị động.

Nông dân huyện Phước Long cấy lúa trên đất tôm. Ảnh: L.D

CHỌN CON TÔM LÀM KHÂU ĐỘT PHÁ

Từ thực tiễn sản xuất ở vùng Bắc QL1A, đã đặt ra bài toán cần được các địa phương quan tâm, đó là tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Để giải quyết bài toán này và nâng cao giá trị sản xuất, phát huy lợi thế cạnh tranh, vùng Bắc cần dồn lực xây dựng cho vùng một sản phẩm mang tính đặc thù mà con tôm sú chính là lợi thế cạnh tranh không phải địa phương nào cũng có được.

Xét về mặt giá trị, cây lúa vùng Bắc mỗi năm chỉ cho hơn 1 tấn lúa và giá trị mang lại không cao. Trong khi đó, cây lúa luôn bị động về thị trường tiêu thụ và hơn cả là hạt lúa của Bạc Liêu chưa thể cạnh tranh được với các giống lúa chất lượng khác từ các tỉnh khu vực BĐSCL. Nói cách khác, giá trị của hạt lúa mang lại không nhiều và nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân vùng Bắc hiện nay chủ yếu dựa vào con tôm.

Đối với con tôm vùng Bắc, xét về giá trị và thị trường thì cao hơn khá nhiều so với con tôm nuôi công nghiệp ở vùng sản xuất phía Nam QL1A. Bởi con tôm vùng Bắc được nuôi theo quy trình sinh thái, không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng các chất kháng sinh và tạo ra sản phẩm sạch để chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng, nhất là thức ăn nhanh. Chính ưu điểm này mà con tôm sản xuất ở vùng Bắc luôn được các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tranh mua. Đây chính là lợi thế cạnh tranh mà các tỉnh, thành khác không có được và trở thành mặt hàng được ưu tiên lựa chọn để chế biến xuất sang các thị trường khó tính.

Vấn đề đặt ra, cùng với tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất tôm nuôi trên đất lúa, tỉnh nên tiến hành xây dựng một đề án phát triển con tôm vùng Bắc gắn với xây dựng thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu? Làm được việc này, vùng Bắc không chỉ góp phần vào việc xây dựng Bạc Liêu trở thành thủ phủ của con tôm, mà còn góp thêm một sản phẩm đặc thù với lợi thế so sánh và cạnh tranh cao cho con tôm Việt Nam mang thương hiệu Bạc Liêu. Cũng như đa dạng hóa các mặt hàng chế biến từ con tôm và ngoài con tôm được sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, Bạc Liêu còn có con tôm sạch.

Chiếm tỷ lệ trên 50% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh và mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu vùng Bắc đạt 400 triệu USD, việc xây dựng mô hình sản xuất đặc thù gắn với tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và nâng chất cho con tôm sạch vùng Bắc là việc rất cần thiết. Đồng thời, đây cũng là giải pháp góp phần thay đổi và làm chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất cho vùng Bắc QL1A.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.