Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi đưa tạp chất vào tôm

Thứ Sáu, 16/11/2018 | 16:13

Để xây dựng thương hiệu tôm Việt, phải nâng cao chất lượng con tôm. Song, việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây mất niềm tin, uy tín của ngành xuất khẩu tôm, làm giảm chất lượng con tôm. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, các ngành chức năng tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Thanh tra Sở NN&PTNT lấy mẫu tôm trên xe vận chuyển để kiểm tra tạp chất.

Lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở chế biến (ở TX. Giá Rai) bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Ảnh: M.Đ

Tình hình bơm chích tạp chất và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Do vậy, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn.

Theo ngành chức năng, toàn tỉnh có 361 cơ sở nghi vấn hoạt động liên quan đến tôm chứa tạp chất. Thời gian qua, lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 120 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất với số lượng trên 21 tấn, phạt hành chính trên 5 tỷ đồng, đồng thời công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, có 20 vụ tôm từ ngoài tỉnh nhập vào.

TX. Giá Rai là địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở chế biến, thu mua thủy hải sản. Tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu ở địa bàn này còn diễn biến phức tạp. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND TX. Giá Rai, cho biết: “Thị xã đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền xã, phường quyết liệt ngăn chặn việc bơm chích tạp chất vào tôm. Phân công cán bộ công an phụ trách địa bàn theo dõi các điểm nghi bơm chích tạp chất vào tôm. Tuyên truyền cho hội viên, đoàn thể và nhân dân về tác hại của việc bơm chích tạp chất và trình báo các cơ quan chức năng khi phát hiện các điểm bơm chích tạp chất vào tôm”.

Mặc dù ngành chức năng, các địa phương quyết liệt vào cuộc, nhưng việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn nhiều khó khăn. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân còn mang nặng tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm còn hạn chế. Hoạt động của các đối tượng bơm chích tạp chất ngày càng tinh vi, chúng thường xuyên thay đổi địa điểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và ngăn chặn, kiểm tra tạp chất trong nguyên liệu thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. Rà soát, nắm tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chế biến, vận chuyển tôm nguyên liệu. Lập danh sách các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thu mua, sơ chế, chế biến tôm và xử lý kịp thời, không để hình thành các điểm nóng về tôm chứa tạp chất. UBND tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương ủy quyền để lực lượng chức năng của tỉnh có thể vào kiểm tra về hành vi bơm chích tạp chất đối với các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn trên địa bàn nếu có biểu hiện vi phạm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Xử lý nghiêm các địa phương đã ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh, huyện nhưng để xảy ra vi phạm pháp luật có liên quan đến tôm tạp chất; chưa có biện pháp xử lý hiệu quả để kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các công ty, nhà máy, các cơ sở thu mua, chế biến tôm và người nuôi tôm nói không với tôm có tạp chất. Quản lý chặt chẽ các đầu mối thu mua tôm trên địa bàn; chú trọng các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và các địa bàn giáp ranh; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và cho làm cam kết đối với các cơ sở vi phạm.

Minh Châu

-----------------------------------------------------

Bơm tạp chất vào tôm có thể bị khởi tố hình sự?

Hành vi bơm tạp chất vào tôm là hình thức gian lận thương mại, tăng trọng lượng cho con tôm khi bán. Hành vi này gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng.

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với một số Bộ liên quan nghiên cứu để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung hành vi bơm tạp chất vào tôm là tội danh mới trong Bộ luật Hình sự. Còn căn cứ vào khoản 5, Điều 16 Nghị định 178/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt như sau:

Phạt tiền đối với hành vi đưa tạp chất vào thủy sản, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất theo một trong các mức sau đây:

a) Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản.

b) Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất.

c) Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển thủy sản có tạp chất.

d) Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có tạp chất do được đưa vào.

đ) Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào.

M.Đ (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.