Tăng trưởng kinh tế 2018: Bạc Liêu bắt đầu tăng tốc

Thứ Hai, 16/04/2018 | 15:41

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Bạc Liêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tăng trưởng kinh tế đứng vào tốp khá của khu vực ĐBSCL và trung bình khá của cả nước. Tuy nhiên, đã hơn nửa nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt thấp và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Khả năng Bạc Liêu sẽ khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng này nếu như không tăng tốc ngay từ bây giờ.

Các đại biểu tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư thảo luận về các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Phát triển thương mại - một trong những giải pháp góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: L.D

BẠC LIÊU ĐANG Ở ĐÂU?

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, thì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của giai đoạn 2016 - 2020 phải đạt từ 6,5 - 7%/năm. Thế nhưng trên thực tế, tăng trưởng GRDP năm 2016 của tỉnh Bạc Liêu chỉ đạt 5,38% và ngay cả năm 2017 được coi là năm nỗ lực rất nhiều nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cán mức là 6,5%. Nếu so với chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đề ra thì năm 2016 Bạc Liêu chưa đạt và năm 2017 chỉ mới đạt ở mức cận dưới của chỉ tiêu.

Một vấn đề quan trọng khác, nếu Bạc Liêu không tập trung nỗ lực tăng trưởng nhanh thì chắc chắn sẽ bị tụt hạng và mãi là tỉnh đứng chót bảng về tăng trưởng kinh tế so với các tỉnh khu vực ĐBSCL và cả nước.

Thống kê và phân tích các số liệu về tăng trưởng GRDP từ các tỉnh khu vực ĐBSCL cho thấy, Bạc Liêu đang đứng ở một vị trí rất khiêm tốn và sẽ trở thành tỉnh đi sau nếu tăng trưởng với tốc độ như hiện nay. Cụ thể, về quy mô của nền kinh tế Bạc Liêu xếp thứ 12/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (chỉ đứng trên tỉnh Hậu Giang). Trong khi đó, các tỉnh tốp đầu như: Cần Thơ, Long An, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang đều có GRDP gấp 2 đến gần 3 lần so với Bạc Liêu. Bình quân giá trị GRDP năm 2017 của toàn vùng ĐBSCL là 42.017 tỷ đồng, trong  khi Bạc Liêu chỉ có 24.188 tỷ đồng.

Riêng tốc độ tăng trưởng, Bạc Liêu xếp thứ 10/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL. Vì tăng trưởng bình quân năm 2017 của toàn vùng ĐBSCL là 7,29%, còn Bạc Liêu là 6,5%.Về thu nhập bình quân đầu người, Bạc Liêu vẫn còn là tỉnh đứng sau nhiều tỉnh, thành khác của khu vực và cả nước; hay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 Bạc Liêu xếp thứ 10/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL...

Từ những con số cụ thể cho thấy, Bạc Liêu muốn tăng trưởng nhanh và hoàn thành mục tiêu đứng vào tốp khá của khu vực ĐBSCL thì tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt trên 7%/năm mới tạo ra khả năng cạnh tranh. Do vậy, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7%/năm phải được thay bằng một kịch bản khác là tăng trưởng từ 7,5%/năm trở lên và phấn đấu đạt 7,7%/năm. Có như vậy, tốc độ tăng trưởng của tỉnh mới cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực ĐBSCL là 7,29%.

Xét ở góc độ nào đó, với xu thế hội nhập và đứng trước nhiều nguy cơ do tác động của quá trình biến đổi khí hậu, nếu Bạc Liêu không tăng trưởng nhanh sẽ khó phát huy được các tiềm năng, lợi thế vốn có, đặc biệt là thu hút đầu tư. Bởi chẳng có nhà đầu tư nào lại đổ vốn vào một địa phương kém phát triển, năng lực cạnh tranh thấp!? Mặt khác, tăng trưởng kinh tế còn phản ánh diện mạo, tạo ra khả năng hấp thụ vốn và từng bước hóa giải các nguy cơ trở thành thời cơ.  Bạc Liêu đã và đang tập trung thực hiện tốt giải pháp này bằng việc thu hút hơn 100.000  tỷ đồng từ hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018.

TĂNG TRƯỞNG TỪ ĐÂU?

Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bạc Liêu đã xác định được “3 trụ cột” cần tập trung đột phá, gồm: Thứ nhất là phát triển nông nghiệp, trực tiếp là con tôm mà trọng tâm là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng giá trị nông sản; thứ hai là phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và thứ 3 là phát triển có trọng tâm thương mại, dịch vụ - du lịch và giáo dục, y tế chất lượng cao.

Tuy nhiên, để khai thác các thế mạnh mũi nhọn này cho tăng trưởng kinh tế năm 2018 không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện một trong “3 trụ cột” này đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cần thêm nhiều thời gian mới có thể hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong khi, mục tiêu tăng trưởng phải được khởi động ngay từ năm 2018. Vậy, năm 2018 Bạc Liêu sẽ dựa vào đâu để tăng trưởng trong điều kiện phải chờ các dự án động lực đang triển khai? Trong khi đó khó có thêm nguồn lực đầu tư từ ngân sách khi kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nay đến năm 2020 đã được bố trí vốn.

Cho nên một trong những bài toán cần được quan tâm chính là phát huy các nguồn lực vốn có để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đó chính là việc nâng quy mô, chất lượng để tạo nên những giá trị tăng thêm từ quá trình tái cơ cấu. Trong đó, tập trung vào 3 khu vực sản xuất, gồm: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch.

Theo đó, với kịch bản tăng trưởng đạt 7,5% thì sản lượng tôm nuôi, thương mại - dịch vụ và huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản phải tăng lên gấp nhiều lần. Cụ thể, sản lượng tôm sẽ tăng từ 129.000 tấn lên 137.000 tấn, tăng thêm 8.000 tấn so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng từ 532 triệu USD lên 606 triệu USD, tăng thêm 74 triệu USD so với năm 2017. Giá trị sản xuất ngành Xây dựng tăng thêm 559 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 phải đạt hơn 17.900 tỷ đồng, tăng 3.704 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017...

Từ những con số trên cho thấy, để đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2018 thật sự phải nỗ lực rất nhiều và cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị với một tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao.

LƯ DŨNG

TĂNG TRƯỞNG NHANH ĐỂ KHÔNG LỖI HẸN

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: “Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đưa Bạc Liêu đứng vào tốp khá của khu vực, trung bình khá của cả nước thì Bạc Liêu chỉ còn vỏn vẹn trong 2 năm (2018 - 2019) để tập trung thực hiện. Trong đó, năm 2018 được xem là năm “bản lề” mang tính quyết định. Vì năm 2020 là thời gian tổng kết và dành cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI. Nếu không tăng trưởng nhanh, Bạc Liêu lại phải lỗi hẹn và Bạc Liêu đã trải qua 3 nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng khá của khu vực”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.