Tăng trưởng kinh tế 2018: Tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng

Thứ Ba, 01/05/2018 | 08:29

Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5% và phấn đấu cán mức 7,7% thật sự không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện độ mở của nền kinh tế còn hẹp. Do vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2018 không đơn thuần là quyết tâm tạo ra cú hích mới, mà còn tập trung đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Giới thiệu các sản phẩm chế biến thủy sản mang lại giá trị gia tăng của Tập đoàn thủy sản Minh Phú tại Bạc Liêu. Ảnh: L.D

GIÁ TRỊ CHƯA PHÁT HUY

Phải thừa nhận rằng, một trong những khó khăn tạo nên lực cản làm cho nền kinh tế chậm phát triển lâu nay chính là chưa giải quyết tốt bài toán giá trị. Đây là những “nút thắt” kìm hãm tốc độ tăng trưởng, gây lãng phí các nguồn lực vốn có. Như trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu, đến nay chiếm hơn 90% là chế biến tôm đông, hay còn gọi là xuất thô chứ chưa quan tâm đến chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp thành lập công ty chế biến thủy sản xuất khẩu nhưng thực chất chỉ xuất tôm nguyên liệu và cung cấp hàng cho các doanh nghiệp trong nước để các doanh nghiệp này đủ hàng xuất đi nước ngoài theo hợp đồng.

Việc làm này đã tạo ra nhiều áp lực về nguồn nguyên liệu và dẫn đến một nghịch lý, Bạc Liêu được xem là “mỏ tôm”, nhưng các doanh nghiệp luôn than thiếu tôm và nhập tôm từ nước ngoài vào để chế biến!? Vấn nạn này đã làm phát sinh hàng loạt hệ lụy mà đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm (như nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu).

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, biết đó là tôm bơm chích tạp chất nhưng buộc phải mua, vì không mua thì không có nguyên liệu để chế biến thanh toán các hợp đồng xuất khẩu. Và đã là tôm bơm tạp chất thì không thể chế biến thành các mặt hàng giá trị gia tăng, vì mặt hàng này chính là các sản phẩm ăn liền nên phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu đầu vào.

Không chế biến được các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đồng nghĩa với việc ngành xuất khẩu của tỉnh mất đi từ 50 - 100% giá trị tăng thêm. Bởi khi chế biến các mặt hàng này sẽ giúp doanh nghiệp thu thêm lợi nhuận từ 50 - 100% so với xuất con tôm đông. Điều đó được chứng minh rất rõ từ kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng, Cà Mau đã đạt hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng Bạc Liêu đến nay chỉ dừng ở con số khoảng 530 triệu USD/năm. Trong khi Bạc Liêu có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Điển hình cho thành công này là Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), các sản phẩm chủ yếu đều là mặt hàng giá trị gia tăng.

Qua đó cho thấy, nếu việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng của tỉnh chỉ cần tăng thêm vài chục phần trăm, thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 74 triệu USD (so với năm 2017) để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay sẽ không là bài toán quá khó.

GIẢI QUYẾT “NÚT THẮT” Ở ĐÂU?

Để giải quyết tốt bài toán giá trị này thì phải tháo gỡ cho được nhiều “nút thắt”. Đồng thời, phải xem quá trình tái cơ cấu nền kinh tế như một cuộc cách mạng trong công tác quản lý. Cụ thể, để nâng cao giá trị cho con tôm xuất khẩu, ngành Lao động phải đi trước. Ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (phường 5, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Khó khăn trong chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao hiện nay chính là trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân. Lâu nay các nhà máy chỉ tập trung chế biến thô, nên nhiều công nhân chưa biết làm các mặt hàng giá trị gia tăng, muốn làm phải đào tạo”. Song đến nay, Bạc Liêu vẫn chưa có trường tổ chức đào tạo công nhân chế biến các mặt hàng này!?

Xuất phát từ việc thiếu tay nghề, nên các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư dây chuyền để sản xuất, vì mặt hàng này cho lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn, chỉ cần bị lỗi về mặt kỹ thuật là bị trả hàng. So với xuất con tôm đông, nếu mặt hàng giá trị gia tăng bị trả về thì doanh nghiệp không thể chế biến thành các mặt hàng khác do đã thành thành phẩm.

Một “nút thắt” khác cũng cần được ngành quản lý tập trung tháo gỡ là khâu lưu thông. Bạc Liêu được xem là tỉnh mạnh về xuất khẩu thủy sản, nhưng thị trường cho con tôm đến nay vẫn tự bán, tự mua và gần như nằm ngoài vòng kiểm soát. Khoảng cách của con tôm từ cánh đồng đến nhà máy còn quá xa. Nông dân thu hoạch tôm bán cho lái tôm, lái tôm thu gom đem về bán cho các đại lý, các đại lý bán lại cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, các doanh nghiệp này lại tiếp tục bán cho các nhà máy chế biến. Thị trường trải qua quá nhiều phân khúc, đã làm cho lợi nhuận của người nông dân bị chia năm xẻ bảy. Rồi con tôm cũng bị các thương lái, doanh nghiệp thu mua đem về gian lận thông qua bơm chích tạp chất. Đó là chưa nói đến nạn “chảy máu” con tôm, vì đến nay Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được chợ tôm!? Năm 2017, sản lượng tôm đạt hơn 120.000 tấn, nhưng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu chỉ khoảng 60.000 tấn, còn lại hơn 50% sản lượng bị chạy ra các tỉnh khác trong điều kiện các doanh nghiệp chế biến của tỉnh luôn “khát tôm”!?

Do vậy, ngành Công thương, ngành Nông nghiệp phải xây dựng và nhân rộng cho được mô hình liên kết chuỗi khép kín, như cách làm của Công ty chế biến thủy sản XNK Thiên Phú (TX. Giá Rai) đã liên kết với Tổ hợp tác Tiền Phong của nông dân xã Định Thành (huyện Đông Hải), với giá thu mua tôm cao hơn giá thị trường từ 15 - 20%. Làm được việc này, doanh nghiệp không chỉ chủ động được nguồn tôm sạch phục vụ chế biến sâu, mà còn chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và xem đó như “giấy thông hành” đi vào các thị trường xuất khẩu khó tính.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 xác định phát triển con tôm là khâu đột phá. Vì vậy, việc tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu phải được coi là giải pháp ưu tiên. Giải pháp này sẽ góp phần hóa giải và làm tăng thêm lợi nhuận, giá trị, nếu như sản xuất tôm năm 2018 bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh không đạt được mục tiêu đề ra.

LƯ DŨNG

----------------------------------------------------------

THÔNG TIN PHẢN HỒI

Số báo Bạc Liêu 2997, chuyên đề: Tăng trưởng kinh tế 2018: Đột phá từ con tôm, sau khi thông tin đã nhận được phản hồi.

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để tạo điều kiện cho các hộ nuôi tôm tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, nhất là các mô hình nuôi tôm nông hộ ứng dụng công nghệ cao.

Còn theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam: Để chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm, ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nợ xấu thông qua xem xét giảm, miễn lãi vay, giúp các hộ nhận lại sổ đỏ đã thế chấp và tái đầu tư để các hộ khôi phục phát triển sản xuất, nhất là ưu tiên cho các hộ có thiện chí trả nợ và xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.