Thành lập Hiệp hội tôm Bạc Liêu: “Bà đỡ” cho doanh nghiệp và nông dân vào sân chơi lớn

Thứ Tư, 12/08/2020 | 18:08

Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây không chỉ là niềm vui của doanh nghiệp, mà còn cho cả người nông dân khi hàng nông, thủy sản làm ra đã được rộng đường và giá trị, lợi nhuận mang lại cao hơn so với các thị trường tiêu thụ khác.

Chế biến tôm xuất khẩu trên địa bàn TX. Giá Rai. Ảnh: P.T.C

Với 24 quốc gia thành viên và gần 50 triệu dân, thị trường châu Âu thật sự là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp và người nông dân cùng nhau làm giàu. Đặc biệt là giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn chiếm khoảng 70% lượng hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này, nhất là mặt hàng tôm xuất khẩu.

Tuy nhiên, cùng với niềm vui đưa hàng vào thị trường châu Âu, cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và nông dân. Đó là bản thân doanh nghiệp và nông dân sẽ không tận dụng được cơ hội này nếu như không tuân thủ các quy định và luật chơi mà các nước thành viên của Liên minh châu Âu đưa ra. Một trong những quy định ấy là phải đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, hay nói cách khác muốn đưa hàng vào thị trường này phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ mà giấy chứng nhận ASC là tiêu chuẩn mang tính bắt buộc. Do vậy, dù muốn hay không muốn để được xuất hàng sang thị trường châu Âu thì doanh nghiệp và người nông dân phải có ASC.

Song, muốn làm được việc này, cả doanh nghiệp và người nông dân đều gặp khó, nhất là người nông dân không thể tự đầu tư tiền tỷ để xây dựng giấy chứng nhận ASC. Cũng như, ngoài quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa của Việt Nam khi vào thị trường châu Âu còn phải đương đầu với nhiều quy định khác và tranh chấp thương mại xảy ra là điều khó tránh khỏi. Vậy, nếu tranh chấp thương mại xảy ra, tổ chức nào sẽ đại diện để bảo vệ các quyền, lợi ích của doanh nghiệp và nông dân?

Do vậy, Bạc Liêu rất cần tính đến việc thành lập một Hiệp hội dành riêng cho con tôm với sự tham gia của doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân. Trên thực tế, Bạc Liêu đến nay vẫn chưa xây dựng được Hiệp hội này, trong khi từ năm 2005 tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh và thật sự trở thành “sân chơi” của doanh nghiệp và nông dân. Thông qua Hiệp hội này, quyền và lợi ích của nông dân được bảo vệ, hàng hóa sản xuất ra được doanh nghiệp trong Hiệp hội bao tiêu. Đồng thời, các thành viên trong Hiệp hội cùng nhau xây dựng các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc để xuất hàng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi trồng và chế biến con tôm xuất khẩu.

Một vấn đề quan trọng khác, Bạc Liêu được Chính phủ chọn là địa phương xây dựng trở thành “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp của cả nước và hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam thì không lý gì không thành lập Hiệp hội tôm và xây dựng giấy chứng nhận ASC?!

Có thể nói, thành lập Hiệp hội tôm ở Bạc Liêu đã trở thành nhu cầu bức xúc phải làm, vì đây là giải pháp và cũng là quy luật tất yếu mang tính bắt buộc để đưa hàng vào thị trường châu Âu. Ông bà xưa đã đúc kết kinh nghiệm bằng câu: “Buôn có bạn, bán có phường” và Hiệp hội chính là “mái nhà chung” để liên kết doanh nghiệp với nông dân lại, thay vì loay hoay tự tìm đầu ra và không thể “chen chân” vào thị trường khó tính này.

Xét ở góc độ nào đó, sự liên kết còn là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nông dân trong xu thế hội nhập kinh tế quốc ngày càng sâu rộng. Không chỉ thế, sự liên kết này còn góp phần phát triển các mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã vốn là mô hình tất yếu, nhằm hướng đến xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn được cấp các giấy chứng nhận và giúp cho doanh nghiệp, nông dân tăng tính chủ động, đảm bảo sản xuất, kinh doanh có lãi.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.