Thị trường lao động Bạc Liêu: Nguồn nhân lực “vàng” cho các nhà đầu tư

Thứ Sáu, 26/01/2018 | 14:48

Cùng với cả nước, lao động Bạc Liêu đang được xếp trong giai đoạn “dân số vàng”. Điều này đồng nghĩa, tỉnh đang sở hữu lực lượng lao động trong độ tuổi “vàng” tương đối hùng hậu với trên 610.000 người. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tập trung quyết liệt vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đào tạo và phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ nhằm phục vụ các dự án trên địa bàn.

Khánh thành Nhà máy sản xuất phân bón dầu khí Việt Nam. Ảnh: T.Q

Công nhân làm việc tại Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu. Ảnh: T.Q

Nguồn lao động dồi dào

Hàng năm, các cơ sở giáo dục - đào tạo, dạy nghề bổ sung vào nguồn nhân lực lao động cho tỉnh khoảng 14.000 lao động ở những trình độ khác nhau. Với nguồn lao động dồi dào, thời gian qua tỉnh đã cung ứng kịp thời và đầy đủ cho các nhà đầu tư, giúp họ giảm chi phí trong việc dịch chuyển lao động. Điển hình như: cung ứng 2.000 lao động cho Nhà máy may mặc Pinetree của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc; 1.500 lao động cho Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu (thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex); 200 lao động cho Nhà máy bao bì dầu khí… Bằng năng lực và tính cần cù, ý thức kỷ luật cao, các lao động đã góp sức cùng doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước.

Để có được nguồn lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, thời gian qua tỉnh đã chuyển từ mục tiêu “số lượng việc làm” sang “chất lượng việc làm” thông qua việc thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thuận lợi mở doanh nghiệp hoạt động tại Bạc Liêu và chủ động đào tạo nghề cho lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp, làm “cầu nối” để doanh nghiệp và các trường, cơ sở dạy nghề có tiếng nói chung trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghịệp.

Ngoài các biện pháp về mặt quản lý nhà nước, tỉnh còn đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, tập trung xây dựng các trường nghề chất lượng cao; phát huy tốt vai trò của sàn giao dịch việc làm thông qua các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động, sàn giao dịch điện tử… Nắm vững số lao động chưa có việc làm, căn cứ vào các địa chỉ có nhu cầu tuyển dụng lao động để bố trí đào tạo nghề phù hợp. Riêng đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì luôn kết hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động để cùng phối hợp trong đào tạo nghề cho người lao động. Thông qua phát huy vai trò của sàn giao dịch việc làm ở các địa phương, trong năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp liên hệ đăng ký tuyển dụng với số lượng tuyển hàng ngàn lao động. Đặc biệt, để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh vào địa bàn, tỉnh cố gắng hỗ trợ kinh phí giúp doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Năm 2017, tỉnh đã đào tạo nghề cho 12.900 lao động, giải quyết việc làm cho 22.817 lao động vào làm tại các trung tâm, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Chú trọng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao

Hiện nay, hệ thống cơ sở đào tạo ngành nghề được đầu tư cả về số lượng lẫn chất lượng, quy mô đào tạo. Hàng loạt đề án trong lĩnh vực đào tạo nghề đang được triển khai theo hướng chuyển mạnh từ việc dạy nghề dựa trên năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang việc dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ trong từng giai đoạn, từng chương trình, dự án được đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, mạng lưới cơ sở dạy nghề - giáo dục thường xuyên được phát triển ở tất cả các huyện, thị, thành phố.

Cùng với phát triển của hệ thống cơ sở đào tạo nghề, nhận thức của người lao động trong tỉnh về học nghề, chuyển đổi việc làm đã có chuyển biến tích cực. Số lao động qua đào tạo ngày càng tăng đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề phi nông nghiệp, đóng góp tích cực vào quá trình CNH-HĐH.

Thời gian tới, nhằm cung ứng cho thị trường nguồn lao động chất lượng, tác phong công nghiệp cao, chuyên môn vững vàng, tỉnh chủ động “đi tắt đón đầu” trong việc phối hợp với các cơ sở liên doanh tìm hiểu nhu cầu nguồn lao động, nhất là công nhân có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao để đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh và mục tiêu quốc gia. Có chính sách thu hút thỏa đáng đối với người có trình độ cao ở các lĩnh vực tỉnh đang cần như: ngành nghề nông nghiệp chất lượng cao, y tế, giáo dục, du lịch… Cùng với đó, tập trung mở rộng đào tạo một số ngành nghề phù hợp với sự phát triển của tỉnh như dịch vụ may, các ngành nghề truyền thống, công nghiệp - xây dựng và giao thông, tin học ứng dụng, điện tử gia dụng…

“Chính sự dồi dào của lực lượng lao động đã tạo ra cơ hội “vàng” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với những lợi thế khác như giá nhân công rẻ, năng động, chịu khó nên nguồn lao động của tỉnh sẽ phát huy được tiềm năng, trí tuệ của mình khi các khu công nghiệp trong tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mạnh”, bà Trần Hồng Chiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết.

Bằng những giải pháp quyết tâm, quyết liệt nên thị trường lao động trong tỉnh luôn sôi động, đầy màu sắc với nguồn nhân lực cần cù, tác phong công nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chất lượng lao động ngày được nâng lên, giúp tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, hợp tác kinh doanh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh với các địa phương trong khu vực cũng như cả nước.

Minh Luân

Trong giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, Bạc Liêu sẽ tập trung thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực quan trọng, mà trước mắt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, du lịch, khoa học - kỹ thuật… Phấn đấu trong giai đoạn này tăng nhanh đội ngũ lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao, thay thế dần đội ngũ lao động, công nhân phổ thông có trình độ trung bình và thấp. Bạc Liêu cũng phấn đấu đào tạo nghề giai đoạn này nâng tỷ lệ đào tạo đạt 63,9%, trong đó đào tạo nghề 41%; bình quân hằng năm lao động qua đào tạo ít nhất là 18.000 lao động, trong đó trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp 3.000 người.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.