Xây dựng mỗi xã một sản phẩm: Thúc đẩy phát triển sản xuất

Thứ Tư, 17/04/2019 | 16:25

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP). OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; đồng thời cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Giới thiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi tại hội chợ thương mại. Ảnh: L.D

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng…

Chương trình này mở ra nhiều cơ hội cho nông nghiệp - nông thôn Bạc Liêu phát triển, cũng như khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm là lựa chọn sản phẩm nào làm đặc sản của địa phương và đưa sản phẩm ấy trở thành hàng hóa, có thương hiệu và có thị trường?

Qua điều tra , các địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm. Cụ thể như sản phẩm mắm đồng thì gần như các địa phương ở vùng Bắc Quốc lộ 1A đều có, như: mắm cá lóc, mắm cá trắm cỏ, mắm chua cá rô... Do vậy, nhiều địa phương rất khó lựa chọn vì sợ cạnh tranh, thậm chí khó tiêu thụ vì một số sản phẩm đã có thương hiệu (như mắm cá trắm cỏ Hồng Dân).

Trên thực tế, việc lựa chọn một sản phẩm đặc thù gắn với Chương trình OCOP là việc làm không khó. Như việc chế biến khô cá biển thì từ biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đến huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải đều có các cơ sở chế biến khô, nhưng chế biến tập trung và trở thành làng nghề truyền thống thì chỉ có huyện Đông Hải. Hay ở huyện Phước Long cũng có vùng chuyên sản xuất rau màu lớn, nhưng cây rau cần nước lại là sản phẩm đặc thù của xã Vĩnh Thanh…

Việc lựa chọn sản phẩm cho một xã là chuyện không quá khó, nhất là các sản phẩm thế mạnh và mang tính “độc quyền” của địa phương như bánh tráng Bà Gồng và dao Ngan Dừa (huyện Hông Dân) là một minh chứng. Cái cần quan tâm ở đây là xác định đúng sản phẩm thế mạnh để tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm ấy, hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, tạo đầu ra ổn định, có thị trường, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao.

Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng và thực hiện Chương trình OCOP rất thành công. Chương trình này nếu áp dụng ở nước ta sẽ tạo thêm sức sống mới cho vùng nông thôn, làm sống lại những làng nghề, sản phẩm truyền thống và nâng chất cho các sản phẩm mới. Qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa ở vùng nông thôn. Đây chính là nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch - dịch vụ: du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm và hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, giữ chân được lao động nông thôn và tạo được nguồn lực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động khi du lịch, thương mại và dịch vụ phát triển.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Chương trình OCOP hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất và góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.