Sổ tay kinh tế

Xuất hàng thủy sản sang châu Âu:​ Đừng để mất cơ hội!

Thứ Tư, 08/07/2020 | 14:53

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp có tiếp cận và hưởng lợi từ thị trường này mang lại vẫn là câu chuyện đáng bàn.

Xét nghiệm mẫu tôm trước khi đưa vào chế biến tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Một trong những quy định nghiêm ngặt để xuất hàng sang thị trường châu Âu chính là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, muốn làm được điều này không chỉ có quyết tâm của DN xuất khẩu, mà cần sự chung sức của cả nông dân.

Bởi chuyện an toàn thực phẩm lâu nay thường giao cho DN, trong khi bản thân nông dân lại là người trực tiếp sản xuất và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến. Ông N.T (DN chế biến xuất khẩu trên địa bàn TP. Bạc Liêu) than: “Với việc mỗi ngày đưa hàng trăm tấn tôm vào nhà máy chế biến, DN xuất khẩu không thể nào đem mẫu xét nghiệm hết tất cả mà chủ yếu là nhìn bằng cảm quan. Vả lại, chi phí xét nghiệm rất cao và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, rất khó kiểm tra khâu đầu vào và chỉ cần một lô hàng bị phát hiện nhiễm kháng sinh thì coi như DN bị thua lỗ nặng vì tất cả hàng hóa đều bị trả về. Để giúp DN xuất khẩu tránh được tình trạng trên, không ai khác ngoài nông dân, bởi nông dân là người trực tiếp quyết định chất lượng sản phẩm do chính mình làm ra”.

Thực tế cho thấy, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho hàng xuất khẩu thủy sản, không chỉ có nông dân, mà cần cả trách nhiệm và ý thức của các đại lý thu mua tôm nguyên liệu. Quan tâm đến vấn đề này, vì nếu nông dân sản xuất ra tôm sạch, nhưng các đại lý thu mua bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng làm mất đi chất lượng tôm xuất khẩu. Chỉ tính riêng địa bàn TX. Giá Rai, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông tỉnh đã phối hợp với Công an thị xã tiến hành kiểm tra và phát hiện 18 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất. Trong đó, một trường hợp có tổ chức bơm chích tạp chất, 4 trường hợp thu gom và 13 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng hơn 4.978kg và đã tiến hành xử lý theo quy định.

Từ vấn nạn trên cho thấy, bơm chích tạp chất còn diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của con tôm Việt Nam. Đồng thời, đẩy các DN chế biến xuất khẩu vào cảnh “phá sản” nếu bị phát hiện vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm và thị trường xuất khẩu, giải pháp về thực hiện liên kết “bốn nhà” chính là nhu cầu tất yếu hiện nay. Làm được việc này, DN, nông dân, nhà khoa học và nhà quản lý sẽ tạo nên mối liên kết bền chặt và xây dựng thành công mô hình sản xuất “từ cánh đồng đến nhà máy” thông qua kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi đến chế biến xuất khẩu.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.