Xúc tiến đầu tư năm 2018: Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững

Thứ Hai, 29/01/2018 | 16:58

Năm 2018 được xem là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Đó là việc tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Sự kiện quan trọng này chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn mới để Bạc Liêu tăng tốc khi các tiềm năng, thế mạnh được khơi dậy và ưu tiên cho phát triển bền vững.

Ký kết hợp đồng mua bán điện gió giữa Công ty Công Lý và Công ty mua bán điện Việt Nam.

Băng-rôn tuyên truyền chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2018 trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

TĂNG TRƯỞNG THEO CHIỀU SÂU

Với chủ đề chính của chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2018: “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”, đã phản ánh sinh động sự quyết tâm trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng, nhằm chủ động hội nhập và ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu mà Bạc Liêu đã và đang phải đương đầu. Việc khơi dậy tiềm năng lần này, không chỉ đơn thuần là vực dậy các thế mạnh vốn có, mà chính là tập trung khơi dậy các giá trị chưa được khai thác, hoặc khai thác chưa triệt để. Hay nói cách khác, đó là thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, làm tăng hàm lượng “chất xám” trong sản phẩm, giúp cho sản phẩm tạo nên khả năng cạnh tranh cao để mang lại nhiều giá trị gia tăng. Cũng như tăng trưởng phải gắn với bảo vệ môi trường và ưu tiên cho phát triển bền vững. Điển hình trong nuôi trồng thủy sản, sẽ xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ khâu cung ứng đầu vào, đầu ra, kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi thông qua ứng dụng công nghệ cao. Và các mô hình nuôi tiên tiến này sẽ được nhân rộng trong dân từ việc ban hành các giải pháp, cơ chế và cả những chính sách đặc thù mà Bạc Liêu sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong chuỗi xúc tiến đầu tư lần này. Đó là các chính sách ưu tiên về tín dụng, lãi suất và cả việc tăng cường hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất với nông dân.

Bạc Liêu trong hiện tại và tương lai, sản xuất nông nghiệp vẫn là “trụ cột” chính của nền kinh tế, vì tỷ trọng nông nghiệp chiếm hơn 43% trong tổng GRDP và tập trung trên 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Do vậy, tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và khơi dậy các tiềm năng từ thế mạnh này, không dừng ở việc tăng trưởng, mà còn là chủ động “sống chung”. Đây là điều kiện cần cho một Bạc Liêu phát triển bền vững trong tương lai, vì ảnh hưởng do triều cường, xâm nhập mặn là khó tránh khỏi. Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: “Với việc thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, Bạc Liêu sẽ từng bước hóa giải những khó khăn, thách thức và tăng khả năng thích ứng. Qua đó, đưa các “nguy cơ” trở thành “thời cơ” và mở ra nhiều cơ hội mới cho Bạc Liêu tăng tốc”.

Điều đó đã chứng minh bằng việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng khả năng chống chịu hạn, mặn thông qua xây dựng các mô hình thích ứng; hay quyết tâm thực hiện mô hình “tăng trưởng xanh” khi mạnh dạn xin Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh rút khỏi Dự án nhiệt điện Cái Cùng mà tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo vốn rất dồi dào ở Bạc Liêu từ phát triển các dự án phong điện. Các dự án “tăng trưởng xanh” này sẽ tác động tích cực đến môi trường sinh thái, khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi bồi ven biển, khi diện tích trồng rừng được phát triển ngày càng nhiều thêm. Điều đó sẽ góp phần tích cực cho việc bảo vệ hệ thống đê phòng hộ ven biển, hạn chế sự xâm thực của sóng to, triều cường, xâm nhập mặn và hơn cả là tạo ra nguồn nước cấp chất lượng phục vụ nuôi tôm sạch (vì lượng phù sa đã được giữ lại từ hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển trước khi được đưa vào hệ thống kênh nội đồng phục vụ việc lấy nước nuôi tôm). Chi phí đầu tư cho việc cải tạo, xử lý hóa chất phục vụ nuôi tôm sẽ giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp, nông dân sẽ tăng thêm, và “lãi nhất” chính là bảo vệ được môi trường sản xuất, môi trường sinh thái cho phát triển bền vững.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT, HỢP TÁC

Với việc thay đổi mô hình tăng trưởng trên, Bạc Liêu phấn đấu cơ bản trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, gắn với phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại và quyết tâm đưa Bạc Liêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả, gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đẩy mạnh thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa - tôm ổn định ở vùng Bắc Quốc lộ 1A và hạ tầng vùng nuôi tôm - rừng của huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu. Phấn đấu đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và sẽ trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô và đổi mới trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại; mời gọi đầu tư một số nhà máy chế biến thủy sản, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chế biến gạo, chế biến gia súc, gia cầm, nhà máy sản xuất các chế phẩm vi sinh, hóa chất trong thủy sản, công nghiệp may (trong đó, ưu tiên giới thiệu vào các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch).

Song song đó, Bạc Liêu sẽ huy động và tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án hạ tầng quan trọng như: giao thông, thủy lợi, điện và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu ở các địa phương ven biển. Tiếp tục đẩy  mạnh công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư, không ngừng đổi mới phương pháp tiếp cận, mời gọi những doanh nghiệp đầu tàu trực tiếp đến để giới thiệu đầu tư, cam kết thực hiện các chế độ ưu đãi, linh hoạt vận dụng các quy định, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có liên quan để việc triển khai dự án được thuận lợi nhất. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động tham gia hợp tác kinh tế vùng, khu vực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế...

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.