​Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII): Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế

Thứ Tư, 04/10/2017 | 16:11

Một trong những nghị quyết quan trọng được Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành làm nức lòng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước là Nghị quyết số 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết này đã tạo nên những động lực, sức bật mới cho KTTN phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho KTTN chủ động hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh.

* Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Vietinbank - chi nhánh Bạc Liêu ký kết hợp tác đầu tư vốn cho doanh nghiệp.

* Đóng gói hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch (TX. Giá Rai). Ảnh: L.D

TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN CHO KTTN PHÁT TRIỂN

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN, KTTN ở nước ta đã không ngừng phát triển và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vị trí, vai trò của KTTN đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước đối với KTTN được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường; cải cách hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, thông thoáng, thuận lợi hơn...

KTTN đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh, đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt, KTTN thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, KTTN chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của KTTN có xu hướng giảm, quy mô nhỏ; trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp... Vì vậy, một trong những quan điểm chỉ đạo mới về KTTN được Nghị quyết số 10/NQ-TW của Đảng đề ra: Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng; phát huy mặt tích cực, có lợi cho đất nước của KTTN. KTTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

LÀM  GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN KTTN?

Bạc Liêu nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nên việc phát triển KTTN, nhất là thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, khai thác thủy sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, tuy các doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng vẫn chưa tạo nhiều động lực, chưa trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, Bạc Liêu chưa có những doanh nghiệp đầu tàu hoặc các tập đoàn kinh tế lớn với vai trò là “đòn bẩy” để tạo nên động lực và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển.

Nguyên nhân là phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh đều xếp vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với tổng vốn đầu tư bình quân từ 3 - 5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là trong 10 năm qua, số doanh nghiệp tư nhân thành lập mới không nhiều, có xu thế giảm về số lượng, quy mô, và xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp nhỏ với vốn đăng ký đầu tư chưa đến 3 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đơn cử như năm 2008, toàn tỉnh có gần 1.340 doanh nghiệp, thì đến nay trong tổng số gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh chỉ có hơn 1.400 doanh nghiệp đang hoạt động, còn khoảng 500 doanh nghiệp thì hoạt động cầm chừng, ngưng hoạt động và báo lỗ!? Kéo theo đó là tình trạng nợ thuế, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hàng chục tỷ đồng/doanh nghiệp.

Từ đó cho thấy, gần 10 năm qua, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thành lập mới không nhiều, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN tăng trưởng thấp hơn so với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể như năm 2016, tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh là 5,38%, nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 9,7%, số vốn đăng ký cũng giảm trên 45%. Đây sẽ là những khó khăn mà Bạc Liêu cần tập trung giải quyết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10/NQ-TW là “tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế”.

CẦN ĐẨY MẠNH CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Theo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, để phát triển KTTN, Nhà nước cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về tín dụng. Bởi, 90% doanh nghiệp của tỉnh hiện nay đều phải vay vốn ngân hàng. Chính sự lệ thuộc và yếu về nguồn lực tài chính làm cho doanh nghiệp khó chủ động trong sản xuất, kinh doanh và không thể đầu tư mở rộng, tạo ra khả năng cạnh tranh.

Cùng với khai thông đồng vốn với lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp, các ngành và địa phương cần thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, vì hiện nay tuy có nhiều cơ chế, chính sách nhưng lại “bị tắc” khi đưa vào thực hiện. Một số ngành, đơn vị cũng chưa thật sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực quản lý thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản trị; nung nấu và thực hiện khát vọng vươn lên làm giàu, đầu tư sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, xem hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững và chủ động hội nhập.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.