Giáo dục - Học Đường

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT: Thực trạng và giải pháp

Thứ Hai, 14/01/2013 | 20:36

Công tác giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh được triển khai từ năm học 2009 - 2010. Qua hơn 3 năm triển khai, các đơn vị, trường học đã quán triệt và có kế hoạch tổ chức thực hiện thông qua việc lồng ghép vào các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, đặc biệt là tích hợp vào các tiết sinh hoạt tập thể và hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Việc tích hợp nội dung giáo dục KNS vào bài học được chỉ đạo theo tinh thần đảm bảo phù hợp với nội dung, phương pháp dạy học, làm cho bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, bám sát thực tiễn cuộc sống nhằm phát huy tối đa hiệu quả nội dung bài học. Không tùy tiện đưa thêm các nội dung mang tính gượng ép làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.

Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Ảnh: C.K

Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Bởi, lực lượng giáo viên và người phụ trách các hoạt động giáo dục là lực lượng chủ yếu, nhưng chính họ cũng chưa được đào tạo một cách bài bản. Nhiều giáo viên còn thiếu và yếu về KNS nên khó đáp ứng tốt được yêu cầu giáo dục cho học sinh. Cá biệt, có trường hợp giáo viên chẳng những không đưa được KNS đến với học sinh, mà còn có những lời nói, việc làm đi ngược lại với yêu cầu, mục tiêu giáo dục KNS cho học sinh. Những lý do này dẫn tới hệ quả nội dung và cách thức tổ chức giáo dục KNS còn khá sơ lược, đơn điệu, chưa thu hút được sự quan tâm của các em.

Thực tế nêu trên cho thấy, việc đổi mới công tác giáo dục KNS đang trở thành một yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Nâng cao hiệu quả giáo dục KNS thật sự là một bài toán khó nhưng nhất định phải có lời giải. Tôi cho rằng, trước hết phải thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên về giáo dục KNS theo một quy trình chặt chẽ, với các bước cơ bản. Đó là tiến hành khảo sát để đánh giá thực trạng, phân loại đối tượng và nắm bắt nhu cầu của giáo viên; xây dựng kế hoạch, lựa chọn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên; biên soạn tài liệu, chuẩn bị các điều kiện mở lớp bồi dưỡng; tổ chức các lớp bồi dưỡng theo đối tượng…

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư hợp lý cho yêu cầu cải tiến nội dung, cách thức tổ chức giáo dục nhằm kích thích sự hứng thú nghiên cứu, học tập của học sinh. Theo đó, nội dung cần được đổi mới theo hướng: hấp dẫn, thiết thực, cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện…

Về cách thức tổ chức, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả yêu cầu tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục nội dung giáo dục KNS cho học sinh. Tăng cường các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, các cuộc thi… nhằm tạo những sân chơi bổ ích để qua đó đưa KNS đến với học sinh một cách tự nhiên…

Đối với học sinh, cần dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc giáo dục những KNS cơ bản, cốt lõi như: Kỹ năng tự nhận thức; kỹ năng xác định giá trị; kỹ năng xác định mục tiêu; kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng kiên định; kỹ năng ứng phó với căng thẳng; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực; kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp; kỹ năng phòng tránh ma túy, thuốc lá, rượu bia; kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, HIV/AIDS; kỹ năng phòng tránh tai nạn (giao thông, đuối nước, bạo lực…)…

Đi cùng với những việc làm trên là tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện và nhân rộng thành tích, ưu điểm và chấn chỉnh các mặt hạn chế, yếu kém trong công tác này.

Thạc sĩ Dương Hồng Tân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.