Gặp gỡ soạn giả Yên Lang

Thứ Hai, 04/03/2013 | 19:33

Mới đây, tại Nhà khách Hùng Vương (TP. Bạc Liêu), Sở VH-TT&DL đã tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với soạn giả Yên Lang (tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, hiện đã 74 tuổi, đang định cư tại Mỹ), nhân chuyến ông về thăm quê Bạc Liêu. Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số ban ngành và các văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh… đã có mặt trong buổi gặp gỡ thâm tình này.

Soạn giả Yên Lang (trái) nhận những ấn phẩm báo chí viết về mình.
Ảnh: C.K

Soạn giả Yên Lang sinh ra trong một gia đình nghèo tại Giồng Me (phường 2, TP. Bạc Liêu ngày nay). Ông đã trải qua cả quãng đời thơ trẻ của mình ở mảnh đất này đến năm 17 tuổi, ông lên Sài Gòn học Tú tài rồi tham gia làng văn nghệ Sài Gòn với tư cách người làm thơ. Đến cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, Yên Lang chuyển hướng sáng tác sang viết kịch bản sân khấu cải lương. Với vở cải lương đầu tay, lấy cảm hứng nỗi hoài nhớ quê ngoại ở Thông Lưu (thuộc thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay), “Manh áo quê nghèo” của Yên Lang sau khi được đoàn Song Kiều biểu diễn lập tức tạo nên một làn sóng của sân khấu cải lương Nam bộ. Sau đó là các vở: “Tâm sự loài chim biển”, “Mùa thu trên Bạch Mã sơn”, “Máu nhuộm sân chùa”, “Người đẹp Tây Thi”… và nhiều bản vọng cổ nổi tiếng thì lập tức Yên Lang được nhìn nhận như một soạn giả lớn của sân khấu cải lương Nam bộ. Và sân khấu cải lương Nam bộ ngày càng phát triển nhanh chóng, trong đó có không ít đóng góp của soạn giả Yên Lang. Theo đó, những tài năng của sân khấu cải lương cũng được trưởng thành như: Mỹ Châu, Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ…

Chúng ta đều biết rằng nhân cách, trí tuệ của con người được hình thành từ thời rất trẻ. Thời trẻ của Yên Lang sinh ra và lớn lên tại quê hương Bạc Liêu - một vùng đất sản sinh ra bản vọng cổ - “bài ca vua” của sân khấu cải lương. Chính Yên Lang đã nói rằng: “Nếu không có bản vọng cổ thì sân khấu cải lương không thể lớn mạnh như hôm nay”. Đó là điều tự hào của người Bạc Liêu và của bản thân ông mà đi tới đâu ông cũng nói về niềm tự hào này; và hơn thế nữa, nơi “chôn nhau cắt rốn” của Yên Lang lại là nơi sinh sống của hậu tổ cổ nhạc Nhạc Khị, Ba Chột, Cao Văn Lầu… Nói những điều trên cho ta thấy rằng, Yên Lang đã sinh ra và lớn lên tại một vùng địa linh. Và chính cái linh khí mà Yên Lang hấp thụ được đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp sáng tác của ông. Với hành trang của quê hương ban tặng, Yên Lang ra đi và viết nên những tuồng cải lương lớn mà bây giờ, sau 50 - 60 năm ta nghe vẫn còn hay là Yên Lang đã đồng hành cùng quê hương Bạc Liêu (“chiếc nôi” của sân khấu cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ) góp phần quan trọng phát triển bộ môn sân khấu cải lương Nam bộ cho cuộc đời này. Xét ở góc độ nào đó, chúng ta thấy Yên Lang là một người con có ý nghĩa với quê hương.

Chính vì thế mà có cuộc gặp gỡ trân trọng thân tình ngày 2/3 vừa qua. Đó là một cuộc gặp gỡ thể hiện tính cách hiếu khách của con người Bạc Liêu, thể hiện tình cảm và thái độ ân cần của quê hương đối với những người con xa quê. Và đó cũng là thái độ của quê hương trân trọng những văn nghệ sĩ có đóng góp xuất sắc.

Chính điều ấy làm cho Yên Lang xúc động, ông nói đại ý như sau: Ông là đứa con Bạc Liêu lạc loài đất mẹ từ lâu, từ nửa vòng trái đất về đây. Khi xe chạy đến cầu Xa Bảo ông đã cảm thấy hơi thở của đất mẹ, đó là cái mùi mằn mặn của gió biển. Hơi thở của quê hương làm cho ông nhớ thương khôn xiết. Nhớ thời tấm bé nhà ông nghèo lắm, khi Tết về ông cùng mẹ chèo xuồng về quê ngoại ở Thông Lưu để ngoại và các cậu cho gạo, nếp, lá chuối về gói bánh tét. Bà ngoại ông tuy nghèo về vật chất nhưng rất giàu tình cảm, bà thương ông nhiều lắm (đây là nguồn cảm hứng để soạn giả Yên Lang sáng tác vở tuồng “Manh áo quê nghèo”). Giờ đây, sau mấy mươi năm lưu lạc trở về quê, có hai điều làm ông bất ngờ. Một là sự tiếp đón của lãnh đạo tỉnh, anh em văn nghệ sĩ trân trọng, ân cần ngoài sức tưởng tượng của ông. Hai là, Bạc Liêu bây giờ đẹp quá, ban đêm thì đường phố lộng lẫy đèn hoa, ban ngày thì cây xanh rợp bóng và những khu nhà rất đẹp. Soạn giả Yên Lang bảo rằng: ông hàm ơn những ai đã làm cho quê hương thêm giàu, đẹp như hôm nay.

Câu chuyện của Yên Lang hôm đó cũng làm cho nhiều người xúc động. Trong mắt họ là một Yên Lang nho nhã, chân thành và cực kỳ khiêm tốn. Đó là tính cách của những văn nghệ sĩ lớn. Câu chuyện của ông làm cho người ta cảm thấy đó là một người con Bạc Liêu yêu quê mẹ nồng nàn, khắc khoải đau đáu về quê mẹ dù mình ở đâu, với tư cách nào. Chính điểm ấy làm cho soạn giả Yên Lang lớn lao và cũng chính điểm ấy làm cho người ta hy vọng rằng, soạn giả Yên Lang sẽ dành nhiều thời gian hơn trong quãng đời còn lại của mình để sáng tác về quê mẹ Bạc Liêu.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.