Những tỷ phú Ninh Bình ở vùng kinh tế mới

Thứ Hai, 15/04/2013 | 17:56

Tỷ phú mà chúng tôi muốn nói ở đây là những người quê gốc ở tỉnh Ninh Bình. Về Bạc Liêu, họ bắt đầu cuộc sống mới từ con số không. Vậy mà bây giờ tất cả đều đã thành đạt, trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ vào nghị lực, bàn tay và khối óc.

BA ANH EM TỶ PHÚ...

Ở ấp Thống Nhất (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) có 3 anh em họ Cao quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Họ được người dân địa phương gọi là anh em tỷ phú. Đó là các ông: Cao Văn Thắng, Cao Văn Quyết và bà Cao Thị Tươi. Đây là những con người điển hình của sự đồng cam cộng khổ, đi lên từ những ngày gian khó nhất của cuộc đời.

Khu dân cư bề thế của người Ninh Bình lập nghiệp tại xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: T.Đ

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, họ là thế hệ đầu tiên đặt chân tới vùng kinh tế mới Vĩnh Hậu. Khi ấy, ở vùng này tiềm năng thì nhiều, đất rộng bao la, nhưng hầu như chưa ai khai thác. Ông Thắng (người anh cả) kể: “Ngày đầu lập nghiệp ở Vĩnh Hậu, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, gia đình phải “ăn nhờ, ở đậu”, xin được làm thuê cho hợp tác xã như: sên sình, đào mương, vác đất, nhổ cỏ, gặt lúa… Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng anh em chúng tôi luôn biết đùm bọc, chịu đựng và biết vượt qua”.

Và rồi, sự cần cù, nhẫn nại trên vùng đất khó đã cho các ông kết quả ngọt ngào. Từ 1,5ha đất nuôi tôm thiên nhiên được hợp tác xã giao, gia đình ông Thắng cứ nhân lên. Hiện tại, ông có tới 11ha đất nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, thu nhập của gia đình ông từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật và biết tích lũy kinh nghiệm sản xuất cho nên ông Thắng nói chuyện kỹ thuật nuôi tôm như một kỹ sư.

Còn ông Cao Văn Quyết tâm sự: “Từ khi chọn đất Vĩnh Hậu trở thành quê hương thứ hai của mình, công việc gì tôi cũng làm miễn có thu nhập. Và nhiều mô hình sản xuất tôi đều thực hiện thành công”. Xuất thân từ một bộ đội xuất ngũ gầy dựng cuộc sống thiếu thốn trăm bề, vậy mà bây giờ, ông Quyết đã có 5ha đất nuôi tôm, xây được căn nhà khang trang trị giá 300 triệu đồng. Từ các mô hình nuôi tôm công nghiệp, quảng canh, nuôi cá sấu, cá bống mú… mang lại thu nhập cho gia đình ông từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Riêng bà Cao Thị Tươi (em gái út ông Thắng) thì vợ chồng bà Tươi khởi nghiệp từ nghề thợ mộc nhờ sự “đỡ đầu” của ông Thắng. Bà Tươi bây giờ có tới 7ha đất nuôi tôm. Vài năm gần đây, mỗi năm bà Tươi thu nhập cả tỷ đồng từ nghề nuôi trồng thủy sản.

VÀ ÔNG GIÁM ĐỐC NÔNG TRƯỜNG TÀI NĂNG

Nói tới những người thành đạt trên đất Vĩnh Hậu đến từ quê hương kết nghĩa Hà Nam Ninh (cũ), không ai có thể quên ông Phạm Công Chính, Giám đốc Nông trường Đông Hải ngay từ những ngày mới có khái niệm vùng kinh tế mới. Ông Chính ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A.

Là một kỹ sư thủy lợi, ông được giao quản lý, khai thác nông trường nuôi tôm rộng hơn 2.000ha. Ở tuổi 78, ông Chính vẫn minh mẫn kể lại rành mạch câu chuyện sản xuất ngày trước.

Nói là nông trường nuôi tôm nhưng khi đó toàn bộ chỉ là rừng mắm, đước và đồng nước mênh mông. Nhiệm vụ giải quyết việc làm, ổn định chỗ ở, cải thiện đời sống cho đồng bào di cư từ tỉnh kết nghĩa với Minh Hải (cũ) về đây đối với ông Chính vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người đảng viên, ông đã từng bước biến đất khó thành đồng vàng, sản xuất ngày càng hiệu quả. Từ 40 hộ ban đầu được nhận khoán đất sản xuất trong nông trường, sau đó, tăng lên hơn 300 hộ và ai cũng có việc làm.

Ông Chính là người đầu tiên mang kỹ thuật, công nghệ nuôi tôm sú từ miền Bắc, miền Trung về tỉnh Minh Hải. Rồi chẳng bao lâu, cả nông trường được cải tạo thành đất sản xuất đầy ắp tôm cá. Khi đó, nông trường đón tiếp đến hơn 40 đoàn tham quan mô hình, học hỏi kỹ thuật nuôi tôm từ khắp nơi trong tỉnh Minh Hải (cũ) và các tỉnh bạn.

Tên gọi nông trường Đông Hải giờ đây trở thành kỷ niệm khó quên của hàng trăm hộ gia đình quê ở Hà Nam Ninh cũ (nay là 3 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam). Đó là dấu ấn một thời khó khăn và đầy thử thách. Nhưng chính những điều đó đã giúp những người khai hoang có thêm nghị lực phi thường. Và bây giờ, tất cả họ đều thành đạt, khá giả, giàu có.

Nghĩ về những khốn khó ngày trước và hôm nay có được cuộc sống sung túc, ông Chính cho rằng, công ơn của tỉnh Minh Hải ngày ấy cũng như Bạc Liêu bây giờ dành cho cộng đồng người Ninh Bình là quá to lớn. Tất cả bà con nơi đây giờ đã an cư lạc nghiệp, con cái ăn học thành tài, có không ít người đang cống hiến tích cực cho tỉnh. Đặc biệt, trong cộng đồng người Ninh Bình ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A hiện tại có hơn 70% số hộ đã có nhà cửa khang trang, có một cuộc sống khá, giàu. Vùng kinh tế mới ảm đạm ngày nào bây giờ rất sôi động, là mảnh đất đầy tình cảm và sự yêu thương, đùm bọc và chia sẻ.

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.