Giáo dục - Học Đường

Giáo dục học sinh trong giai đoạn hiện nay: Nói không với bạo lực!

Thứ Sáu, 26/04/2013 | 20:08

Tình trạng bạo lực học đường, tự kỷ, trầm cảm… của học sinh (HS) ngày càng gia tăng. Tất cả đều xuất phát từ việc giáo dục các em chưa đúng cách. Trước thực trạng này, hội thảo “Giáo dục HS trong giai đoạn hiện nay” do Sở GD-ĐT tổ chức đã giúp các bậc cha mẹ, thầy cô giáo có những phương pháp tích cực và khoa học để giáo dục HS trong thời đại mới.

Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu) sưu tầm những lời hay ý đẹp về cách giáo dục trẻ, như: “Nếu sống trong khích lệ, em có lòng tự tin”… để tuyên truyền cho giáo viên làm phương châm giáo dục học sinh. Ảnh: N.P

Theo nhận định của nhiều thầy cô, xã hội ngày càng phát triển thì việc giáo dục HS lại trở nên thách thức hơn. Phụ huynh và giáo viên nào cũng mong muốn HS là những “con ngoan, trò giỏi”. Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó, nhất là đối với những em bướng bỉnh, quậy phá? Hiện nay, phương pháp giáo dục phổ biến mà nhà trường và gia đình dùng đối với trẻ mắc lỗi là kỷ luật. Mắc lỗi nhẹ thì phê bình, nhắc nhở, cảnh cáo… nặng thì trừng phạt thân thể và tinh thần như đánh, véo, mắng nhiếc, bỏ mặc…

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra ánh sáng rất nhiều vụ bạo hành trong trường học và gia đình, trong đó có những vụ nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nguyên nhân của thực trạng này là do phụ huynh và giáo viên phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, nên cáu bẳn rồi dồn bực bội lên đầu HS. Đặc biệt, hầu hết người lớn đều có suy nghĩ rằng “phải đánh cho HS biết sợ để sửa” bởi ông bà ta thường răn dạy “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”...

Tuy nhiên, cách giáo dục này thường phản tác dụng. Thay vì làm theo ý người lớn, nhiều HS trở nên lì lợm và chống đối, cũng có nhiều em trở nên khép mình, thiếu tự tin. Hậu quả là các em phát triển không toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, và mối quan hệ với người lớn trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, phụ huynh và giáo viên cần phải có phương pháp giáo dục HS tốt hơn.

Nhiều đại biểu cho rằng, phương pháp giáo dục HS tích cực nhất trong giai đoạn hiện nay là nhà trường và gia đình phải nói không với bạo lực! Cô Văn Thị Tường Oanh (Sở GD-ĐT) chia sẻ: “Việc mắc lỗi của HS được coi như lỗi tự nhiên của quá trình học tập và phát triển. Do vậy, giáo viên cần giúp HS nhận thức được bản thân, kiểm soát được hành vi, thái độ bằng phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý HS, chứ không được làm tổn thương HS”. Tương tự, cô Đặng Kim Tâm (trường Mầm non Sơn Ca 1 - huyện Giá Rai) nêu ý kiến: “Khi HS sai phạm, người lớn nên giải thích cho các em hiểu rõ, giúp các em có những hành động đúng đắn”. Để làm được điều này, theo nhiều thầy cô và phụ huynh thì giáo viên phải yêu nghề mến trẻ. Cô Phan Bích Ngọc (trường Mầm non Tâm Tâm, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Giáo viên phải đặt mình trong vị thế của người cha, người mẹ lắng nghe những tâm tư, quan sát, tìm hiểu để nắm bắt tâm lý của HS. Qua đó chọn cách giáo dục phù hợp”…

Song song với việc phân tích giúp trẻ nhận thức được cái đúng - cái sai, muốn giáo dục HS nên người thì nhà trường phải kết hợp với gia đình xây dựng những chuẩn mực nhất định để HS thực hiện; song song đó, giáo viên và phụ huynh cũng phải cùng rèn luyện để trở thành tấm gương sáng cho HS noi theo. Ngoài ra, người thầy cũng cần khen ngợi HS nhằm động viên HS không chán nản, cũng như tiếp tục cố gắng phát huy thành tích…

Tóm lại, giáo dục HS trong giai đoạn hiện nay, giáo viên và phụ huynh nên động viên, khuyến khích kịp thời những thành công của các em. Đồng thời kết hợp uốn nắn những hành vi chưa đúng không phải bằng mệnh lệnh cứng nhắc, mà bằng tình cảm, yêu thương chân thành thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Nguyễn Phương

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.