Giáo dục - Học Đường

Vinh quang các nhà giáo kháng chiến

Thứ Hai, 29/04/2013 | 19:21

Trong không khí náo nức của ngày 30/4 lịch sử, trên 100 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên kháng chiến đã cùng về họp mặt để ôn lại kỷ niệm về những năm tháng dạy chữ giữa “mưa bom, bão đạn”. Được gặp lại bạn bè xưa, ai cũng xúc động bồi hồi…

Các nhà giáo kháng chiến trong niềm vui ngày gặp mặt. Ảnh: C.H

Những nhà giáo ngày ấy giờ đây tóc đã bạc, dáng đi đã nặng nề vì tuổi tác, nhiều người đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên, họ vẫn không ngại quãng đường xa xôi, thậm chí có nhiều người đã vượt cả trăm cây số từ Sóc Trăng, Cà Mau để về Bạc Liêu dự họp mặt. Những câu chuyện về trường lớp, về học trò ngày xưa, những lời hỏi han chân tình về cuộc sống hôm nay… như không bao giờ hết. Trong niềm xúc động ấy, thầy giáo Lê Châu, thay mặt cho giáo viên kháng chiến ôn lại truyền thống vẻ vang của nhà giáo thời chiến.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hầu hết các nhà giáo của Bạc Liêu hình thành từ nhân dân mà ra. Đó là những thanh niên từ đồng ruộng, là những học sinh, sinh viên thị thành do lòng yêu nước đi theo tiếng gọi của Đảng. Đó còn là những thầy cô giáo từ các tỉnh miền Bắc xa xôi vì thương “miền Nam đi trước về sau” nên đã tình nguyện vượt Trường Sơn đến với Bạc Liêu. Những con người với lòng yêu nước nồng nàn ấy đã xây dựng nên nền giáo dục cách mạng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mặc dù gieo chữ giữa khói lửa chiến tranh, mạng sống có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”, song các thầy cô vẫn luôn vững tay bút, chắc tay súng vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy. Ngoài việc lên lớp dạy học, thầy cô còn làm nhiều việc đóng góp vào cuộc kháng chiến. Nào là vận động thanh niên lên đường tòng quân giết giặc, tham gia du kích đánh giặc để giữ gìn xóm ấp, bảo vệ trường lớp, bảo vệ học sinh. Nào là đấu tranh chống nền văn hóa giáo dục phản động của địch, cũng như tích cực xây dựng đời sống vật chất, văn hóa mới ở vùng giải phóng… Tuy trình độ không cao, nhưng đội ngũ giáo viên kháng chiến vẫn đảm bảo sự phát triển của trường lớp có khắp nơi trong vùng giải phóng, làm cho xóm ấp vang tiếng ê, a học bài của trẻ thơ; cán bộ, bộ đội học văn, học toán bên miệng chiến hào; các lớp bổ túc văn hóa luôn đỏ đèn về đêm… Có thể nói, ngành Giáo dục kháng chiến đã cung cấp cán bộ cho nhiều ngành khác, cũng như đào tạo những thế hệ học trò có tri thức và lý tưởng cao đẹp để tham gia vào cuộc kháng chiến. Sau này, nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước, những nhà giáo, nhà báo, nhà kinh tế giỏi…

Trong niềm vui ngày gặp mặt, các thầy cô bồi hồi khi nghe thầy Lê Châu nhắc lại những thầy cô giáo đã hy sinh vì học sinh thân yêu, vì nền giáo dục cách mạng. Đó là thầy Tô Minh Đến chống địch càn quét, trước lúc hy sinh còn kịp mở chốt quả lựu đạn cuối cùng chết với quân thù. Thầy Ngô Hoàng Du trong trận chiến không cân sức, đã phải rút xuống hầm bí mật. Bị giặc phát hiện, thầy quyết không để rơi vào tay giặc nên đã bật chốt quả lựu đạn. Thầy hy sinh, quân thù cũng bị tiêu diệt...

Xúc động khi gặp lại những đồng nghiệp, đồng chí ngày nào giờ người còn, người mất, cô Trần Việt Hồng bày tỏ: “Nghề dạy học là một nghề đặc biệt. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Đội ngũ các thầy cô giáo kháng chiến đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc nâng cao tri thức, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của tỉnh nói riêng, đất nước nói chung…”.

Đồng chí Quảng Trọng Ninh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các nhà giáo kháng chiến. Đồng thời khẳng định: lực lượng giáo viên kháng chiến mãi mãi là những tấm gương đẹp để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Buổi họp mặt kết thúc, nhưng dư âm sẽ còn mãi đọng lại trong lòng mỗi người…

Nguyễn Phương

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.