Hưởng ứng “Tết trồng cây” của Bác

Thứ Hai, 20/05/2013 | 07:54

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Thực hiện “Tết trồng cây” do Bác phát động, nhiều năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều việc làm thiết thực trong việc trồng và bảo vệ rừng, trồng cây xanh trên các tuyến đường, mang lại màu xanh và nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và góp phần làm đẹp quê hương.

Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng trồng cây tại khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long). Ảnh: L.D

“Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định rằng, phong trào Tết trồng cây góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Người nhấn mạnh: “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ”. Bác biểu dương những nơi có phong trào mạnh, làm tốt việc trồng cây, bảo vệ cây, trồng cây nào sống cây ấy. Nhưng Bác cũng phê bình những nơi trồng cây gây rừng chưa tốt, cho nên diện tích đồi trống còn nhiều.

Bác cũng chỉ ra nguyên nhân quan trọng là do cấp ủy, chính quyền những nơi đó chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp, kế hoạch việc lãnh đạo trồng cây, bảo vệ cây. “Nơi nào mà các cấp Đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm…), có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng phụ lão và thanh niên, nhi đồng thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt”.

Để phong trào Tết trồng cây ngày càng phát triển, hiệu quả ngày càng cao, Bác Hồ luôn quan tâm động viên, biểu dương những gương tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở những địa phương, đơn vị thực hiện kém. Kể từ ngày phát động phong trào cho đến trước lúc đi xa, Người thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả một cách liên tục. Người cũng đã kịp thời khen ngợi các địa phương tổ chức phong trào Tết trồng cây có hiệu quả.

Đến hôm nay, phong trào Tết trồng cây do Người phát động vẫn còn sống mãi với chúng ta, mãi mãi là nét xuân độc đáo, là phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tết trồng cây theo tư tưởng của Bác sẽ mãi mãi là động lực to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái, nhiệt tình, ra sức trồng cây, trồng rừng, góp phần làm cho đất nước ta ngày càng giàu đẹp, mãi mãi xanh tươi, đời đời thịnh vượng. Và phong trào Tết trồng cây do Bác phát động đã góp phần làm cho đất nước thêm xanh, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường. Với những chính sách của Nhà nước trong những năm qua đã dần dần phù hợp với đời sống, nguyện vọng của nhân dân.

Hưởng ứng Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, cùng với quân và dân trên mọi miền Tổ quốc, cán bộ và nhân dân các địa phương tỉnh Bạc Liêu lại rộn ràng không khí Tết trồng cây. Việc giao đất, giao rừng cho gia đình và tập thể hoặc cá nhân đã được thực hiện, làm cho đời sống kinh tế nhiều gia đình nông dân đã được cải thiện, trở thành triệu phú.

Thông qua Tết trồng cây, hàng năm trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất đã được trồng mới, hàng triệu cây phân tán, cây ăn quả các loại được trồng, màu xanh của quê hương liên tục được cải thiện, độ che phủ của rừng đã không ngừng được nâng cao. Hệ thống cây xanh khuôn viên công sở, nhất là trung tâm TP. Bạc Liêu, các khu du lịch, vườn chim, các thị trấn, trung tâm xã ngày càng được hoàn thiện với hệ thống cây xanh bóng mát, nhiều đường cây - hàng cây đã được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển tốt, điển hình như hàng cây xanh trên các tuyến đường Trần Phú, Hòa Bình, công viên Lê Thị Riêng (phường 8, TP. Bạc Liêu), khu trung tâm thị trấn Giá Rai (huyện Giá Rai), thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình)… Một số địa phương có truyền thống trồng cây gây rừng như các huyện Đông Hải, Hồng Dân, Hòa Bình và Phước Long. Những việc làm cụ thể, thiết thực này không những đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, môi trường cảnh quan, mà còn có tác dụng giáo dục sâu sắc về ý thức trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên về trồng và bảo vệ rừng, tôn trọng và thân thiện với thiên nhiên, hướng đến sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh.

XUÂN THƯỞNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.