Vu lan: Nghĩ về hiếu đạo

Thứ Hai, 19/08/2013 | 18:52

Một bông hồng cài lên ngực áo, mùa Vu lan lại về, mùa báo hiếu! Tích Vu lan xoay quanh câu chuyện hành trình Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày mang màu sắc huyền thoại, nhưng ý nghĩa đọng lại từ tích ấy luôn hiển hiện giữa cuộc đời này. Vu lan nhắc nhở mỗi con người phải luôn ghi nhớ cái hiếu đạo đối với cha mẹ, sâu xa hơn là với ông bà tổ tiên mình…

Thiêng liêng công đức mẹ cha

Ai cũng đều biết rằng công đức sinh thành của mẹ sánh tựa trời bể! Mẹ chín tháng gánh gồng cưu mang, chịu bao đau đớn, hiểm nguy để sinh con ra, hứng bao vất vả nhọc nhằn và nuôi con khôn lớn. Ca dao, tục ngữ đã nói về công lao của mẹ với những hình ảnh đẹp vô ngần: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn”… Hay có câu chuyện kể về sự tích cây vú sữa, người mẹ chết vì nhớ thương đứa con ngỗ nghịch bỏ mẹ ra đi, mẹ chết hóa thành cây vú sữa dành để dỗ ngọt, nuôi nấng cho con khi con quay về… Câu chuyện phiếm khác kể về một đứa con vì giận mẹ mà bỏ nhà đi biền biệt, đến khi kiệt sức, nó được một người không quen cho ăn một chén cơm lót dạ. Nó ríu rít mang ơn người ấy. Đến khi ấy, đứa con mới chợt đau xót nhận ra công ơn của mẹ bấy lâu nay… Sự chăm lo, nuôi nấng của mẹ đối với con từ xưa đến nay đã trở thành quy luật, đến nỗi nhiều người quên mất, đó là cả công ơn trời bể!

Nghi thức cài hoa hồng lên áo trong đại lễ Vu lan do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: C.T

Công lao của cha được ví tựa núi Thái Sơn vời vợi! Không dịu dàng như tình mẹ, song ở cha là cả một bờ vai vững chắc để con tựa nương. Cha truyền cho con lý trí, sự dũng cảm để đương đầu với những cam go, thử thách của cuộc đời. Cha thương con trầm tĩnh, nhưng sâu lắng bằng thứ tình cảm của người đàn ông, âm thầm mà mạnh mẽ!

Cha mẹ không chỉ cho ta vóc dáng hình hài mà bằng tình yêu thương vô bờ bến, họ đã dưỡng dục ta nên người! Cha mẹ hạnh phúc khi con cất tiếng khóc chào đời. Họ dìu dắt cho con mình từ những bước chập chững đầu đời cho đến khi con trưởng thành, dựng vợ gả chồng, rồi vẫn dõi theo đường đời của con cho đến ngày “xuôi tay nhắm mắt”… “Nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ nuôi con không mong gì con đáp trả lại. Cha mẹ có thể hy sinh, thậm chí đánh đổi tất cả vì niềm vui, hạnh phúc và tương lai của con. Họ chỉ mãn nguyện khi trông thấy con cái nên người và thành đạt trong cuộc sống!

Hiếu đạo - nét đẹp muôn đời

Hiếu đạo là một trong những nền tảng vững chắc để xây dựng một gia đình truyền thống Việt Nam! “Hiếu” ở đây được hiểu rộng là hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với những người đã có công sinh thành dưỡng dục! Con cái có hiếu với ông bà, cha mẹ thường thì sinh ra những đứa con hiếu thảo, đó đã trở thành quy luật. Cứ như thế, nền nếp, gia phong trong mỗi gia đình sẽ được duy trì.

Ông bà xưa có câu: “Tội lỗi lớn nhất là tội bất hiếu”! Song, đau lòng thay khi xã hội vẫn còn những nghịch tử phạm vào cái “tội lỗi lớn nhất” ấy. Ở Bạc Liêu từng có vụ án mạng đau lòng, con nghiện game giết chết mẹ ruột của mình cách đây chưa lâu, nó như vết cứa đau đớn về tình mẫu tử. Và còn những “bản án” thưa kiện dài tập về tranh chấp đất đai giữa con với cha mẹ, hay vì quyền thừa kế không “sòng phẳng” mà nhiều gia đình phải kéo nhau ra tòa, con và cha mẹ đứng về hai phía “phân tranh”?! Khi ấy cái hiếu đạo đối với mẹ cha, họ bỏ ở đâu?! Tiền tài, vật chất đã làm hư hao nhân cách, phẩm giá con người?! Đối với người sinh ra và nuôi dưỡng mình mà người ta còn phản trắc thì họ sống được với ai…

Vu lan hàng năm là dịp để mỗi con người nghĩ về hiếu đạo đối với cha mẹ mình. Sống sao cho tròn chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, nhưng không phải ai cũng làm được. Không phải vì ta “bất hiếu”, mà có khi chỉ bởi một chút vô tâm, vì nặng lo mái ấm riêng tư, hay có người vì mãi chạy theo công danh sự nghiệp mà vô tình bỏ sau lưng hai đấng sinh thành ngày một già nua “như chuối chín cây”! Đến khi cha mẹ lâm bệnh nặng hay mất đi rồi, nhiều người mới giật mình thảng thốt, ân hận thì đã muộn màng…

Hiểu rộng hơn, Vu lan còn là lúc để nhớ về công đức những người Mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng cho Tổ quốc. Những người mẹ đã hơn một lần chịu đau thương, mất mát núm ruột của mình để mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc đáng được mãi mãi ghi nhớ công ơn.

Với những thông điệp đẹp đẽ, đại lễ Vu lan đã trở thành ngày lễ văn hóa truyền thống của cả dân tộc! Vu lan, cài lên ngực áo cành hoa hồng, mỗi người con lại rưng rưng xúc động khi nhớ về mẹ cha. Màu hoa đỏ nhắc người ta rằng “ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”, màu hoa trắng làm ta nghẹn ngào nhớ về mẹ cha nay đã đâu còn nữa, để rồi chỉ còn biết nguyện với lòng sống sao nên người để làm an lòng người đã khuất!

Mỗi mùa Vu lan là dịp nhắc nhở người ta: hiếu đạo là vốn quý trong truyền thống gia đình Việt Nam mà thời đại nào cũng cần phải được trân trọng, giữ gìn!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.