Tuyển tập “Âm nhạc truyền thống Nam bộ - Đờn ca tài tử” và tâm huyết của nghệ sĩ Trần Khánh

Thứ Tư, 21/08/2013 | 16:37

Một tuyển tập các bản tài tử, vọng cổ phục vụ kịp thời cho Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Việt Nam sắp diễn ra, đồng thời những bài ca với lời mới có thể chuyển tải nhiều nội dung “thời sự” tuyên truyền chủ trương “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”…; cộng với tâm huyết của người nghệ sĩ đam mê loại hình âm nhạc truyền thống; hội tụ những yếu tố đó, nghệ sĩ Trần Khánh vừa cho ra mắt tuyển tập “Âm nhạc truyền thống Nam bộ - ĐCTT” (do Liên hiệp Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu chịu trách nhiệm xuất bản).

Tâm huyết với một dòng nhạc

Nghệ sĩ Trần Khánh bắt đầu tập tành viết lời cho nhạc tài tử từ thời còn là nhạc công của Đoàn văn công xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vào những năm 1960. Khi ấy, Trần Khánh là một học trò giỏi của thầy đờn mù Muôn - một thầy đờn có tiếng trong huyện Trần Văn Thời. Trần Khánh không chỉ là nhạc công kiêm diễn viên “diễn thế vai” những lúc diễn viên chính bệnh, mà còn tập tành sáng tác lời cho các bản tài tử. Đó là những bài ca có nội dung vận động thanh niên lên đường tòng quân giết giặc, hoặc phát động phong trào góp người, góp của để giải phóng quê hương…

Nghệ sĩ Trần Khánh và tuyển tập “Âm nhạc truyền thống Nam bộ - đờn ca tài tử”. Ảnh: C.T

Gắn bó với ngành Văn hóa gần trọn cuộc đời, là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thường tham gia ban giám khảo các cuộc liên hoan ĐCTT; ông luôn trăn trở về con đường phát triển của dòng nhạc truyền thống quê hương mình. Làm sao để có những tác phẩm mới, phản ánh được tình hình hiện thực, hơi thở của cuộc sống hôm nay và quan trọng là cần có một “cẩm nang” tương đối chỉn chu về các bản tổ với nhịp phách cụ thể, rõ ràng… Từ trăn trở đó, nghệ sĩ Trần Khánh đã trút tâm huyết để viết sách về ĐCTT! Năm 2009, ông đã biên soạn giáo trình đầu tiên “Môn âm nhạc truyền thống Nam bộ (về ĐCTT)” để phục vụ công tác giảng dạy (ông là giảng viên môn Âm nhạc tại trường Trung cấp VH-NT Bạc Liêu). Năm 2010, khi tỉnh mở cuộc thi sáng tác lời ca tài tử Nam bộ, ông đã đoạt luôn 3 giải: Giải A (tác phẩm “Anh hùng Lê Thị Riêng”) và 2 giải B (tác phẩm “Tâm tình Dạ cổ hoài lang (DCHL)” và “Vườn nghệ sĩ”). Và mới đây, ông tiếp tục cho ra mắt tuyển tập “Âm nhạc truyền thống Nam bộ - ĐCTT”.

Động viên tài tử ca lời mới

Nghệ sĩ Trần Khánh tâm sự: Bấy lâu nay, giới tài tử nói chung chứ không riêng ở Bạc Liêu, thường chỉ ca những bài cũ, không phản ánh được hiện thực cuộc sống. Nhân dịp Bạc Liêu sắp đăng cai tổ chức Festival ĐCTT Việt Nam, tôi muốn ra mắt tuyển tập này. Đây là tập sách tập hợp 20 bản tổ chọn lọc và 12 bài vọng cổ từ nhịp 2 đến nhịp 32 và tân cổ giao duyên phục vụ ĐCTT. Tôi động viên giới tài tử nên ca lời mới để chúng ta vừa gìn giữ dòng nhạc truyền thống nhưng cũng vừa chuyển tải những thông điệp của quê hương mình, nhất là khi Bạc Liêu đang thực hiện chủ trương “đi lên từ văn hóa”. Tuyển tập là những bài với nội dung ca ngợi quê hương Bạc Liêu, cả về truyền thống lịch sử - văn hóa (qua các bài “Bạc Liêu chiếc nôi vọng cổ”, “Tâm tình DCHL”, “Cao Triều Phát đạo Cao đài yêu nước”, “Rạng rỡ Bạc Liêu ngày giải phóng”, “Những người con anh hùng Bạc Liêu”…), lẫn nhịp sống mới của một Bạc Liêu năng động, đầy sáng tạo hôm nay (qua các bài “Ông vua chân đất”, “Bạc Liêu thành phố trẻ”, “Vườn chim trong lòng thành phố”...). Nói về “đứa con tinh thần” của mình, nghệ sĩ Trần Khánh cho biết: “Trong tập này, về bài bản thì tôi sáng tác hết bài (trừ lớp trùng); vọng cổ thì từ bản DCHL (vọng cổ nhịp 2, bài chuẩn được UBND tỉnh cấp quyết định) đến các bài vọng cổ nhịp 4, 8, 16, 32 và tân cổ giao duyên; nhiều bài đã được các đài truyền hình, truyền thanh trong và ngoài tỉnh sử dụng đăng, phát. Về âm nhạc, tôi áp dụng dòng nhạc đã được chỉnh sửa của nhóm nhạc sĩ Nhạc viện TP. HCM nên không có sự cách biệt giữa nhạc xưa và nhạc nay; lời ca tôi có phụ họa bằng nhạc lý cho nên nếu đã biết ca, đờn bập bõm, khi xem quyển này là có thể học đờn, ca một cách bài bản, dễ tiếp thu…”. Với những đặc điểm đó, tập sách sẽ là “bửu bối” cho giới nghệ nhân, tài tử và những ai yêu thích dòng nhạc truyền thống này!

Ở Bạc Liêu, giới sáng tác vọng cổ có thể kể đến những tên tuổi “gạo cội” như Trọng Nguyễn, Thanh Quang, Thanh Tâm, Hữu Nghĩa, cho đến những người trẻ như Quốc Khánh, Phương Tử Yến…; nhưng sẽ “đếm trên đầu ngón tay” nếu tìm những người sáng tác lời ca mới cho ĐCTT. Nhìn vào cách biên soạn tập sách, người xem sẽ thấy được tâm huyết của người nghệ sĩ! Tâm huyết đó, ngay lúc này đang thiết thực góp phần phát huy giá trị của bản DCHL, của nghệ thuật ĐCTT, trước mắt là phục vụ một Festival tầm cỡ quốc gia lần đầu tiên địa phương đăng cai; lâu dài là góp thêm những gam màu phong phú cho một loại hình nghệ thuật là “đặc sản” của Bạc Liêu, của Việt Nam!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.