Nhịp sống đô thị

TP. Bạc Liêu: Phát triển du lịch và xây dựng thành phố văn hóa

Thứ Tư, 28/08/2013 | 18:10

“Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” là một chủ trương mới của Tỉnh ủy mang tính đột phá, hoàn toàn phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của địa phương hiện nay, nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh từ văn hóa phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, khi nói đến văn hóa là nói đến một lĩnh vực rộng lớn. Bài viết này chỉ đề cập một số nét đặc trưng về văn hóa để phục vụ phát triển du lịch của TP. Bạc Liêu. Và ngành “công nghiệp không khói” này nếu được phát huy sẽ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Cần phát huy giá trị các di tích

Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh “về đẩy mạnh phát triển du lịch” đã xác định: “Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú, với những nét độc đáo về văn hóa, xã hội”; “đặc biệt, Bạc Liêu là xứ sở của bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay, và “chiếc nôi” của đờn ca tài tử Nam bộ mà người trong và ngoài nước đều biết đến; Bạc Liêu còn là xứ sở của Công tử Bạc Liêu với những giai thoại hấp dẫn”. Có thể nói, đây chính là điểm nhấn mà hiện nay Bạc Liêu đang thu hút được nhiều du khách gần xa. Bởi, khi đến Bạc Liêu, ai cũng muốn tìm hiểu và khám phá về Công tử Bạc Liêu xưa; tìm hiểu, khám phá về cuộc đời và sự nghiệp của bác Sáu Lầu với hoàn cảnh ra đời bản Dạ cổ hoài lang - “bài ca vua” làm say đắm lòng người.

Du khách tham quan nhà Công tử Bạc Liêu (ảnh trái) và chùa Xiêm Cán (ảnh phải). Ảnh: Lâm Hỷ

Trên địa bàn TP. Bạc Liêu, ngoài hai địa điểm nổi tiếng, có giá trị lịch sử - văn hóa là khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu và quần thể khu nhà Công tử Bạc Liêu, còn có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn du khách như: Vườn chim Bạc Liêu với đủ các loài động, thực vật của một hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên nằm ngay trong lòng thành phố, chỉ cách trung tâm không đầy 5km; 12 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như Đồng hồ đá Thái Dương, chùa Vĩnh Đức, chùa Long Phước, chùa Vĩnh Hòa, chùa Xiêm Cán, đình Tân Hưng, đình An Trạch, Phước Đức cổ miếu, Vĩnh Triều Minh... TP. Bạc Liêu còn có một số điểm tham quan, du lịch tâm linh như Quán âm Phật đài, miếu Quan đế (chùa Ông), miếu Tiên sư; và các điểm du lịch khác như cây xoài cổ, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, công trình điện gió (đã và đang được Chính phủ đầu tư xây dựng và đang phát huy hiệu quả); rồi một khu du lịch vườn nhãn với những giồng nhãn cổ nổi tiếng và nhiều món ăn dân dã, đồng quê thu hút rất nhiều khách tham quan. Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn là nơi hội tụ văn hóa đặc sắc của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer với những phong tục, văn hóa độc đáo.

Tuy nhiên, các điểm du lịch hiện nay chưa được sắp xếp một cách khoa học, chưa có các điểm bán các mặt hàng lưu niệm, các loại hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của Bạc Liêu, dịch vụ phục vụ du lịch còn rất khiêm tốn. Mặt khác, lượng khách lưu trú, nghỉ qua đêm tại TP. Bạc Liêu chưa nhiều, nên nguồn thu và lợi nhuận từ du lịch chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, để ngày càng thu hút và “giữ chân” nhiều khách du lịch, TP. Bạc Liêu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định giải pháp, lộ trình cụ thể; chọn điểm du lịch, khu du lịch, hoàn thành các tua - tuyến du lịch phù hợp hấp dẫn; thu hút đầu tư và đầu tư đúng mức cho các điểm du lịch, hệ thống nhà hàng - khách sạn, các dịch vụ phục vụ du lịch để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch trên địa bàn thành phố.

Xây dựng thành phố văn hóa

Bạc Liêu vốn là vùng đất hiền hòa, người Bạc Liêu với những nét chân chất, nhưng rất hào phóng, nghĩa tình - đây được xem là bản chất, là vẻ đẹp, cốt cách của con người Bạc Liêu… Điều đó đã để lại cho du khách những ấn tượng đẹp khi đến với Bạc Liêu.

Song, để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Bạc Liêu và quảng bá đến nhiều người, vấn đề đặt ra cho TP. Bạc Liêu là phải nâng cao tính văn minh, chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Trong đó, trọng tâm là phải xây dựng con người Bạc Liêu với phong cách “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, nhất là trong giao tiếp, ứng xử, cung cách phục vụ ở những điểm khách du lịch dừng chân tham quan, mua sắm, ăn nghỉ, tạo cho khách cảm giác thật sự thoải mái, vui vẻ, an toàn. Từ đó, khi ra về, họ sẽ nhớ mãi một Bạc Liêu thân thiện, cởi mở, hào phóng và nghĩa tình. Những vấn đề này hiện nay vẫn còn là một trong những điểm yếu, điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng chung của ngành Du lịch. Do đó, để du lịch Bạc Liêu phát triển tương xứng với vai trò, vị trí đã được xác định theo tinh thần Nghị quyết 02 (khóa XIV) của BCH Đảng bộ tỉnh, TP. Bạc Liêu tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng, làm chuyển biến căn bản nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố và trong các hộ dân về yêu cầu “xây dựng người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, xây dựng và phát triển đô thị Bạc Liêu xanh - sạch - đẹp và văn minh. Kiên quyết khắc phục những tiêu cực và những hành vi mua bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, những hành vi kém văn minh, lịch sự trong sinh hoạt, ứng xử, buôn bán của một bộ phận người dân ở các điểm du lịch. Đó là níu kéo, o ép khách, cân thiếu, thách giá, ăn xin và những hành vi thiếu văn hóa đối với khách. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái trong lành, một môi trường không rác, không ô nhiễm, nhất là ở các điểm dừng chân của du khách và ở các nhà hàng, khách sạn… Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có trình độ, năng lực, có phong cách, làm việc tận tụy, nhiệt tình, hiệu quả... để tạo sự hấp dẫn, ấn tượng cho du khách. Đây cũng là một trong những việc làm góp phần xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành thành phố văn hóa.

Cùng với việc xây dựng phong cách người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, một vấn đề cũng rất quan trọng là cần tạo ra một môi trường thông thoáng và đảm bảo an ninh trật tự, phải xem khách du lịch là “thượng đế”. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Bạc Liêu bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Để cụ thể hóa và thực hiện đạt hiệu quả quan điểm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” của Tỉnh ủy, lãnh đạo TP. Bạc Liêu sẽ thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết 01 về “xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh” và Nghị quyết 02 về “đẩy mạnh phát triển du lịch”. TP. Bạc Liêu xem việc thực hiện có hiệu quả hai nghị quyết này và quan điểm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” là mục tiêu, là động lực làm “nền tảng” để thành phố ngày càng phát triển và bứt phá đi lên, đáp ứng với vai trò là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của cả tỉnh trong năm 2014.

Đỗ Thị Bích Mận

(Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.