An toàn giao thông

Văn hóa giao thông và an toàn giao thông

Thứ Tư, 11/09/2013 | 17:43

Từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Song, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, trước hết là người tham gia giao thông.

TP. Bạc Liêu hưởng ứng Tháng An toàn giao thông gắn với văn hóa giao thông. Ảnh: T.Q

Tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Mỗi ngày trôi qua là biết bao sinh mạng bị đe dọa bởi tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông có thể đến với bất kỳ ai mà không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao hơn so với các nước trên thế giới là do ý thức người tham gia giao thông còn quá kém.

Văn hóa giao thông là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều cách hiểu khác nhau. Nói một cách tổng thể, văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng quy định, chen lấn làn đường, bóp còi inh ỏi, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.

Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc Luật Giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, tụ tập đông người dưới lòng đường để đưa rước con đến trường; việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông; chủ động đưa người già yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; kịp thời báo hiệu, thông báo cho cơ quan chức năng các sự cố về đường sá, phương tiện để kịp thời ngăn chặn, xử lý…

Văn hóa giao thông chính là thực hiện từ những thói quen nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy; dừng đỗ đúng phần đường quy định; nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; không dàn hàng ngang, dùng ô che khi điều khiển phương tiện giao thông; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông…

Tóm lại, văn hóa giao thông chính là việc nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bởi lẽ, đa số vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bắt nguồn từ sự tùy tiện, thiếu tự giác, cố tình vi phạm Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện. Với thực trạng giao thông hiện nay, chỉ một lần vượt đèn đỏ, uống rượu bia quá mức, hoặc lấn tuyến, chạy ngược chiều… cũng có thể dẫn đến những cái chết oan uổng, gây đau khổ cho bao gia đình.

Kim Bảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.