Tùy bút - Tản văn

Nơi ấy, có còn tim tím cánh Tường Vy…

Thứ Sáu, 28/02/2014 | 17:10

Tôi gọi soạn giả Dạ Quang bằng chú - chu Ba. Bởi chú có mối quan hệ thân tình với cha mẹ tôi trong những ngày kháng chiến từ mấy mươi năm về trước. Tôi biết được điều này từ khi chú tìm gặp và kể cho tôi nghe những kỷ niệm về mối quan hệ thân tình ấy, và vì vậy, tôi cũng thêm quý mến, gắn bó với chú Ba.

Chú tên thật là Hồ Thu Phong. Thật ra tôi đã biết chú vài năm trước đó qua bút danh Dạ Quang và bài ca cổ Hoa Tường Vy mà một dạo, các đài phát thanh thường xuyên phát đi, phát lại nhiều năm với giọng ca của Minh Vương - Phượng Liên. Đã từng thu hút bao nhiêu lượt người nghe, yêu cầu. Lanh lảnh và quen thuộc vào những buổi trưa, buổi chiều trong các chương trình ca cổ nhạc: “Đâu tiếng nói thanh thanh, bên Tường Vy trổ hoa tim tím…”. Chú Ba là biên tập viên của tập ca cổ, trước đây ở Phòng Văn hóa quần chúng thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Minh Hải. Tập ca cổ mỗi năm xuất bản 1 kỳ, trong đó khoảng 10 tác phẩm ca cổ của các anh chị em sáng tác trong tỉnh. Chú Ba là một trong những người sáng tác ít. Thường mỗi năm chỉ viết một bài để in trong tập ca cổ và sau đó, thu thanh, phát đầu tiên trên Đài Phát thanh TP. HCM.


Nhiều năm trước, có dịp viết chân dung những nghệ sĩ trong tỉnh để giới thiệu trên báo Minh Hải, trong đó, một lần tôi viết về chú Ba. Điều ấn tượng không chỉ đối với riêng tôi mà còn với nhiều chú, anh chị em sáng tác là, trang bản thảo nào của chú Ba cũng rất nhiều màu mực. Chú viết chậm, thật chậm. Lần đầu phác thảo bằng mực xanh thì lần sau sửa lại bằng mực đỏ. Rồi sau đó lại chỉnh bằng mực tím, bằng viết chì… Nhìn bản thảo, tôi luôn có cảm giác như chưa bao giờ chú bằng lòng với những con chữ của mình. Chú viết, khi rảnh chú lẩm nhẩm ca. Lúc ngân nga, có khi một nhịp, một từ chú sửa đi, chỉnh lại rất nhiều lần. Và sau cùng đưa bài viết đã chỉn chu cho nhiều anh em xem, góp ý. Rồi chú mới chỉnh lại lần sau cùng và đánh máy ra giấy.

Đó là một trong những điều hình thành nên tính cách làm việc, trong sáng tác của chú Ba, soạn giả Dạ Quang. Nhưng, dạo đó điều tôi muốn biết hơn cả là dấu ấn nào đã hình thành nên tác phẩm Hoa Tường Vy nổi tiếng một thời. Chú đã kể cho tôi nghe và dắt tôi về thăm quê chú, chỉ cho tôi xem giàn hoa Tường Vy tim tím trổ bông trước ngôi nhà của một người bạn cũ. Con đường lổm chổm đá đỏ, đá xanh, chông chênh trên hương lộ thuở còn gian khó của quê hương Long Điền - Cây Giang. Nó như những con chữ còn ghập ghềnh trên trang bản thảo của chú lúc chưa hoàn chỉnh. Thong thả đi dọc xóm, chú dừng lại một chút trước ngôi nhà có giàn hoa Tường Vy ấy. Ánh mắt chú chợt xa xăm như kỷ niệm, như ký ức tình yêu của một thời son trẻ. Chú không nói mà tôi cũng không hỏi chú thêm điều gì, mọi âm vang đã cất nên cung bậc bổng trầm trong tiếng ca trọn vẹn niềm tin yêu, gởi gắm.

Chú cùng viết với các chú Trọng Nguyễn, Hữu Nghĩa, Anh Đạo… trong vài vở cải lương nữa, và phút giây hạnh phúc của chú tôi bắt gặp qua ánh mắt vào lần vở cải lương Lời thề bên suối trắng có chú cùng viết, khi đoàn cải lương của tỉnh về hát phục vụ tại rạp hát Hộ Phòng, ngang ngang nhà của chú. Không vào rạp để xem nhưng chú vui lắm. Hạnh phúc đôi khi thật không thể nói bằng lời. Mà có lẽ, chính vậy càng khó đủ đầy ý nghĩa nếu gọi nó bằng một khái niệm nào đó theo lẽ thường tình…

Ngôi nhà ấy, nơi chú nghỉ hưu trước khi tỉnh Bạc Liêu tái lập năm 1997. Chú thường nói vui - lang bạt kỳ hồ, cuối cùng chú cũng vẫn là công dân của xứ Bạc Liêu mà! Ngôi nhà ấy, chú vẫn viết, vẫn với tốc độ viết của ngày trước. Vẫn với bản thảo nhiều màu mực mà mỗi lần ghé thăm chú đều mang ra cho tôi xem. Ngôi nhà ấy, là nơi gặp gỡ của nhiều anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh trước đây từng công tác chung cơ quan. Của bạn bè thân thiết dừng chân trên đường đi Bạc Liêu - Cà Mau, đàm đạo chuyện nghệ thuật, sân khấu, chuyện viết lách, chuyện ấm lạnh cuộc đời… Ngôi nhà ấy, có một đêm nào đó không còn nhớ rõ thời gian, tôi đã mang hồ sơ xin vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam do anh Trần Phước Thuận nhờ đưa cho chú. Mười một giờ đêm, nhà chú Ba đã ngủ lâu rồi, gọi mãi không được, tôi đậu chiếc Honda cặp cửa, đứng trên yên chiếc Honda để thả chiếc phong bì đựng hồ sơ vào nhà chú qua kẽ hở đường song trên vách. Sáng hôm sau nhận được chiếc phong bì và chú biết, chỉ là tôi - đêm qua đã bỏ vào nhà chú. Nếu được phép ví von, trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, chiếc phong bì đựng hồ sơ xin vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tôi gởi cho chú vào đêm hôm đó như chính tôi đã tín nhiệm gởi cho chú một phiếu bầu vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Sau ngày tỉnh Bạc Liêu tái lập vài năm, công việc ngày càng nhiều, đi lại trên đường Bạc Liêu - Cà Mau ít khi tôi có dịp dừng lại thăm chú. Chú được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, có lần lên dự Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, ghé thăm Văn phòng Hội, nhưng tôi không có dịp gặp chú. Với chú Ba - soạn giả, nghệ sĩ sân khấu Dạ Quang, tôi còn hai kỷ niệm giữa tôi và chú mà lúc xảy ra không có mặt tôi. Ghi thêm nơi đây để giữ chút kỷ niệm. Đó là lần tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học - Nghệ thuật đặt bài ca vọng cổ của chú để in trong tạp chí. Chú gởi bài kèm theo lời nhắn, nhờ Tạp chí chuyển cho tôi đọc trước khi đăng. Và lần sau cùng - ngày cuối cùng của chú, buổi chiều chú trở bệnh tim, khi gia đình đưa chú lên Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cấp cứu. Lúc lấy chiếc áo khoác mới cho chú mặc để đi đường, chú nói, mặc chiếc áo cũ đi trị bệnh được rồi, để chiếc áo mới cho anh Hai tụi bây, bữa nào nó có ghé qua, đưa cho nó…

Tôi tím lòng khi nghe nhắc lại lời nói ấy. Còn ấm mãi trong tim một tấm lòng, có thể nào ghi lại được bằng chữ, bằng lời. Để dành lại cho tôi chiếc áo ngự hàn, có lẽ lời sau cùng chú muốn nhắc nhở với tôi rằng, trước mặt vẫn lắm phong sương, nhiều phong ba, bão tố cuộc đời… Tôi chợt nhớ vuông trời cũ, nơi có lần tôi và chú dừng chân trước cửa ngôi nhà đơn sơ, có giàn hoa tim tím đã cất lên trong lòng chú cung bậc một thời để nhớ để thương. Lòng bâng quơ tôi tự hỏi, không biết, nơi đó, bây giờ có còn tim tím cánh Tường Vy…

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.