Thanh thiếu niên

Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”: Đi tìm nguyên nhân

Thứ Hai, 07/04/2014 | 18:08

Thay vì đứng chân ở các cơ quan, ban ngành Nhà nước hay các công ty, xí nghiệp thì không ít cử nhân đại học (ĐH) phải chen chân vào các quán ăn, quán cà phê… Nghịch lý ấy xuất phát từ tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ”…

Tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Trong ảnh: Hướng dẫn học sinh lắp ráp sửa chữa điện dân dụng tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề. Ảnh: C.K

Trong khi cử nhân ĐH đang chật vật với việc xin việc làm thì học sinh, sinh viên các trường cao đẳng nghề, trung cấp có vẻ “an toàn” hơn. Theo Trường trung học Kinh tế - Kỹ thuật thì tỷ lệ học viên ra trường có việc làm trong các ngành kinh tế chiếm 70%, các ngành kỹ thuật 90%. Tương tự như thế, Trường cao đẳng nghề đạt 80 - 90%. Thế nhưng, học sinh lại không mấy mặn mà với chuyện học trung cấp, cao đẳng, bởi tâm lý muốn làm “thầy” hơn làm “thợ”. Điều này xuất phát từ công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.

Tốt nghiệp ĐH cách đây 2 năm, vậy mà công việc nuôi sống T.S hiện tại lại không ăn nhập gì với tấm bằng cử nhân Ngữ văn mà bạn miệt mài đèn sách suốt 4 năm trên giảng đường. T.S luôn tự tin rằng với tấm bằng loại giỏi trong tay sẽ không khó để mình có một chỗ làm ổn định. Thế nhưng, sau một năm chạy vạy tìm việc khắp nơi không có kết quả, T.S bắt đầu thấy nản lòng. Trong khi chờ đợi sự phản hồi từ những nơi đã nộp hồ sơ, T.S xin vào làm nhân viên phục vụ tạm thời tại một nhà hàng. Những nhiệt huyết được làm việc để cống hiến sức mình của cậu sinh viên mới ra trường dần dần bị thui chột theo thời gian. T.S chia sẻ: “Mình đã quen dần với công việc ở đây, kiến thức cũng đã hao mòn. Giờ mình cũng bỏ luôn ý định tìm một công việc đúng chuyên ngành”.

Với cô bạn H.T còn xót xa hơn. Tốt nghiệp ĐH Kế toán, nhưng hầu hết những công việc mà bạn trải qua lại là những nghề không dính dáng đến chuyên ngành: bám sim card điện thoại, dạy kèm, phát tờ rơi… và cuối cùng, T. quyết định dừng chân ở công việc tiếp thị sản phẩm. Không chỉ đối mặt với chuyện cơm - áo - gạo - tiền, H. còn phải dè sẻn chi tiêu để phụ gia đình chi trả khoản tiền đã vay vốn ưu đãi dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học ĐH.

Câu chuyện những cử nhân phải đi bưng bê cà phê, phục vụ quán ăn, tiếp thị sản phẩm, bán kẹo kéo… lại được nhắc nhiều hơn sau mỗi mùa tốt nghiệp ĐH. Đây không còn là chuyện mới, nhưng điều lo ngại là nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ con số cử nhân thất nghiệp sẽ nhích dần lên theo từng năm. Theo công bố của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2013 cả nước có 72.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp. Ở Bạc Liêu dù không có con số cụ thể, song theo Sở Nội vụ thì hiện tại tỉnh cũng đang trong tình trạng dư thừa cử nhân ĐH ở các chuyên ngành (chỉ trừ 3 chuyên ngành là Y, Dược và Thủy lợi).

Trong khi thực tế là vậy, nhưng tỉnh lại thiếu kênh thông tin, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Lãnh đạo, các tổ chức, đoàn thể chỉ dừng lại ở việc khuyến khích các bạn trẻ hãy cố gắng học tập thật tốt bằng những món quà, phần thưởng trong những ngày đầu đỗ đại học. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp ĐH trở về quê hương thì các bạn phải tự thân vận động, chạy đôn chạy đáo tìm việc làm. Mặc dù có năng lực thật sự, nhiều bạn cũng không thể tìm được đất “dụng võ”, bởi gõ cửa nơi nào cũng không còn chỗ trống. Niềm khát khao được cống hiến trả nghĩa cho quê hương cũng tắt lụi theo.

Mặt khác, nhìn về công tác đào tạo cử nhân vẫn có không ít bất cập. Phong trào xã hội học tập không chỉ xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo: Trung tâm GDTX, trường ĐH, mà còn xuất hiện rất nhiều hình thức liên kết đào tạo ĐH tại chức, ĐH mở, ĐH từ xa, đào tạo liên thông… Nhiều người nói vui rằng ngày nay muốn lấy tấm bằng ĐH dễ như trở bàn tay!? Có trường hợp chỉ đạt 6,7 điểm cũng được vào ĐH bởi có quá nhiều điểm cộng. Chính sự dễ dãi đầu vào - thông thoáng đầu ra, nên hễ ra đường là gặp… cử nhân. Lại thêm ngành nghề ở các trường đào tạo hiện nay chưa theo kịp với nhu cầu xã hội cũng là nguyên dẫn đến tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ”.

Điều này tạo ra mối lo ngại nếu cứ đào tạo ồ ạt thiếu định hướng thì trong tương lai không xa Bạc Liêu sẽ tiếp tục dôi dư về cử nhân và tạo áp lực việc làm cho xã hội.

Tuấn Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.