Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thứ Hai, 07/04/2014 | 18:12

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 156 để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là một trong những giải pháp để giải quyết các mâu thuẫn, bất cập trong sản xuất lâu nay. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho nông nghiệp phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và giá trị vốn có.

Chế biến tôm xuất khẩu tại huyện Giá Rai. Ảnh: Lâm Hỷ

Một trong những mục tiêu lớn của tái cơ cấu nông nghiệp lần này là duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng GPD ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn từ nay đến năm 2015 là 5,63%/năm, và giai đoạn 2016 - 2020 là 5,47%/năm. Song song đó là chuyển dịch nhanh cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo hướng duy trì tăng trưởng ổn định ngành Thủy sản đến năm 2020 đạt 80,54%, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2015 đạt 23,8%, và đến năm 2020 là 28%... Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt từ 420 - 430 triệu USD, đến năm 2020 đạt khoảng 900 - 1.000 triệu USD...

Với những mục tiêu quan trọng trên, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, muốn nâng cao giá trị gia tăng từ ngành Nuôi trồng và chế biến xuất khẩu, ngoài việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, chọn các vật Nuôi chủ lực thế mạnh gắn với điều kiện đặc thù của từng vùng sinh thái, đảm bảo nguồn cung phục vụ chế biến xuất khẩu, thì cũng cần tái cơ cấu lại ngành hàng, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực hiện nay. Và chỉ có giải quyết vấn đề căn cơ này thì việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng mới thực hiện thành công; việc chuyển dịch cơ cấu mới phát huy hiệu quả.

Việc nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản không phải đến hôm nay mới bàn, mà từ lâu các ngành quản lý đã nhắc nhở, thậm chí báo động về tình trạng nông dân chạy theo lợi nhuận đơn thuần để bán rẻ tài nguyên, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực.

Đơn cử như con tôm xuất khẩu, đến nay, Bạc Liêu có hơn 30 nhà máy, cơ sở chế biến thủy hải sản xuất khẩu, tổng công suất khoảng 100.000 tấn/năm. Song, thay vì tập trung chế biến hàng giá trị gia tăng (để lợi nhuận tăng thêm từ 3 - 4 lần so với xuất tôm đông), hầu hết doanh nghiệp xuất thô với sản phẩm tôm đông là chính. Đây là nguyên nhân làm cho các nhà máy luôn khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu.

Hay Bạc Liêu vốn nổi tiếng với nhiều loại hoa màu như cây măng tây, cải tùa xại, bắp cải... Song, thay vì đầu tư để sản phẩm trở thành thực phẩm cho giá trị cao, nhiều nông dân vẫn xuất thô.

Trong sản xuất lúa cũng vậy, do chạy theo năng suất mà nhiều nông dân phớt lờ cảnh báo của ngành Nông nghiệp về chất lượng. Đến khi lúa bán không ai mua, xuất khẩu cũng khó thì lại yêu cầu Nhà nước hỗ trợ!? Rồi không ít nông dân sản xuất theo kiểu phong trào, phá vỡ quy hoạch chung. Khi sản phẩm không tiêu thụ được thì đổ lỗi cho thị trường…

Đó là chưa kể đến việc đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất chưa kịp thời, đồng bộ, và thiếu vắng vai trò của doanh nghiệp. Các hình thức hợp tác công - tư, cũng như cơ chế, chính sách chưa kịp thời; chưa có những ngành công nghiệp mũi nhọn với vai trò là đầu tàu để phát triển các ngành ăn theo.

Tất cả những mâu thuẫn này vốn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp cần được giải quyết trong tái cơ cấu sản xuất lần này. Nếu không, mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển bền vững cũng vẫn chỉ là mục tiêu.

KIẾT TƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.