Tạo ấn tượng để du khách “nhớ mãi Bạc Liêu”

Thứ Sáu, 18/04/2014 | 18:15

Chỉ còn vài ngày nữa là Bạc Liêu khai mạc Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần I. Người dân Bạc Liêu đang chuẩn bị chào đón hàng ngàn du khách trong nước và cả khách nước ngoài. Được xây dựng trên nền tảng người dân Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, hy vọng, người Bạc Liêu sẽ tạo ấn tượng ban đầu để du khách nhớ mãi Bạc Liêu.

Chợ Trần Huỳnh (phường 1, TP. Bạc Liêu) - nơi đón tiếp nhiều du khách trong dịp Festival ĐCTT. Ảnh: H.L

Đây là lần đầu tiên, sự kiện mang tầm quốc gia được tổ chức tại Bạc Liêu, cũng là lần đầu tiên di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tôn vinh tại Bạc Liêu, và chưa bao giờ Bạc Liêu lại đón một lượng du khách đông đảo như lần này. Với sự náo nức và niềm tự hào, người dân Bạc Liêu, đặc biệt là tiểu thương, đang hy vọng tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Bởi, không chỉ đây là cơ hội để họ quảng bá những sản phẩm đặc trưng vùng miền, mà cũng là dịp để người Bạc Liêu “níu chân” du khách bằng phong cách “văn minh, lịch thiệp và hiếu khách”. Nhiều tiểu thương cùng chung suy nghĩ: đây mới chính là cách thu hút khách lâu bền nhất, bằng chính bản chất và uy tín của mình.

Chị Lâm Ngọc Thu, tiểu thương kinh doanh sản phẩm thời trang tại chợ Trần Huỳnh, cho biết: “Tôi không tưởng tượng được sự kiện Festival ĐCTT quốc gia lần I lớn đến mức độ nào, tôi cũng chưa từng tham dự Festival ở đâu hết. Nhưng qua truyền thông, tôi nghĩ, Festival ĐCTT tổ chức tại Bạc Liêu giống như Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt… Nếu vậy, lần này Bạc Liêu mình sẽ “nổi” lắm đây. Tôi nghĩ, tâm lý khách ở xa đi du lịch đều muốn tìm mua thứ gì đó đặc biệt tại địa phương mình, nên tiểu thương chúng tôi cũng chuẩn bị hàng hóa nhiều hơn, đẹp và độc đáo hơn ngày thường. Riêng tôi đã đặt hơn 1.000 sản phẩm thời trang đủ loại để phục vụ du khách. Chẳng cần bán mắc hơn làm gì, chỉ cần họ thích và mua nhiều là thành công rồi”.

Còn với ông chủ cơ sở chế biến chả lụa Sơn Hà thì cũng đang tất bật cho việc dự trữ nguyên liệu, tìm thêm người bán hàng và luôn sẵn sàng tăng thêm sản lượng. Dự kiến, sản lượng có thể tăng cả tấn/ngày, nhưng cơ sở cũng cam đoan sẽ giữ nguyên giá bán như ngày thường nếu nguyên liệu đầu vào không tăng. Ông chủ cơ sở chả lụa Sơn Hà cho rằng, hiện tượng “chặt, chém” khách hàng trong những ngày “cao điểm” chắc chắn không phải là giải pháp kinh doanh lâu dài. Vả lại, dù chỉ đóng vai trò là một nhân tố nhỏ của vùng đất Bạc Liêu, nhưng cũng muốn đóng góp với quê hương tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách.

Có thể nói, với một lượng khách khá lớn trên khắp cả nước và bạn bè quốc tế sẽ lưu trú để tham gia, thưởng ngoạn các hoạt động của Festival có thể sẽ gây nên tình trạng quá tải ở các dịch vụ từ vui chơi, giải trí đến ăn uống, lưu trú… Nhiều hàng quán ẩm thực đã chủ động trang trí ấn tượng, mua sắm thêm vật dụng, tìm thêm nhân viên và tập huấn cung cách phục vụ để làm hài lòng các “thượng đế”. Theo anh Trần Ngọc Huấn, chủ quán cà phê Rita (đường Trần Huỳnh): “Mình hy vọng khách sẽ đến và nhớ mãi giây phút thư giãn tại quán cà phê Rita Bạc Liêu. Sẽ là không hay ho gì khi bán ly cà phê quá đắt để họ nhớ mãi một quán cà phê đắt đỏ, và không bao giờ họ đến quán mình nữa”.

Không chỉ anh Huấn, mà một số điểm ẩm thực trên đường Trần Huỳnh, gần Quảng trường Hùng Vương - nơi có thể thu hút khách du lịch nhiều nhất - đã niêm yết giá bán khá bình dân: cà phê 4.000 đồng/ly, điểm tâm 15.000 đồng/phần…

Hy vọng rằng, người dân Bạc Liêu nói chung, tiểu thương nói riêng đều “giữ vững” khẩu hiệu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”. Đó cũng là cách để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về với Bạc Liêu: “Một lần đến, một lần thương”.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.