Nghệ thuật đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ

Thứ Sáu, 18/04/2014 | 16:55

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là một sinh hoạt văn nghệ thuộc loại thính phòng, một nghệ thuật do một nhóm nhỏ nghệ sĩ biểu diễn cho một nhóm nhỏ thính giả, ở không gian ấm cúng của một căn phòng trong tư gia, chớ không phải trong một hội trường lớn, hay trên một sân khấu hoành tráng cho đông đảo thính giả.

Quan sát môi trường, con người va nếp sống miền Nam, chúng ta sẽ rõ tại sao bài bản không còn giữ được chuẩn (tính từ cái gốc ca Huế). Đó là do người đờn, người ca không muốn giữ nguyên si bài bản như thầy đã dạy, mà luôn có đôi nét thêm thắt thay đổi, tô điểm, đưa một chút “ta” vào trong “chúng ta”. Do lòng luôn thương nhớ cội nguồn, nên mặc dầu trong ĐCTT có rất nhiều điệu, nhiều giọng, nhiều hơi, nhưng các điệu, các hơi diễn tả nỗi u buồn, được người ca và người nghe thích thú, say mê trong diễn tấu, miệt mài trong thưởng thức.

Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: C.T

Phần đông khi nhắc đến ĐCTT thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc, chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian. Thực ra, Tài tử có nghĩa là người có tài, như trong câu thơ của Nguyễn Du “Dập dìu tài tử giai nhân”. Người đờn Tài tử không dùng nhạc Tài tử làm kế sinh nhai. Khi nào thích đờn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đờn chơi, ai biết đờn ca cũng có thể tham gia được. Dầu vậy mà trình độ nghệ thuật của đờn Tài tử không thấp. Ngược lại, họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp...

Còn nói về sự thành hình nghệ thuật ĐCTT, phải kể đến công lao của các nghệ nhân, nghệ sĩ vào Nam lập nghiệp vào cuối thế kỷ XIX, đem theo truyền thống đờn ca Huế như các cụ: Nguyễn Liêng Phong, Nguyễn Tòng Bá, ông Phạm Đăng Đàn, cụ Trần Quang Thọ (nhạc công cung đình Huế, ông cố nội của tôi) dạy đờn tỳ bà. Trong Nam thì có rất nhiều người học, không những là người giai cấp thượng lưu, thầy thông, thầy ký thích học và tấu ĐCTT, mà những người nông dân chân lấm tay bùn sau những ngày lao động ngoài đồng áng, hay người chèo thuyền trên sông, đều thích học và biểu diễn đờn kìm, đờn cò hay thổi sáo trúc. Tất cả những người học luyện đờn ca không phải để mưu sống mà để thỏa thích nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, mình đờn cho mình nghe, cho bạn bè, người thân, kẻ thích nghe, không lấy tiếng đờn làm kế sanh nhai, nên cách đờn đó được mang danh là ĐCTT. Vì vậy nên có thể nói ĐCTT hình thành từ “ca Huế” - một loại nhạc truyền thống nghệ thuật có thể nói là “bác học” lại mang nặng tính cách “truyền thống dân gian”. Tại các tỉnh miền Đông và miền Tây, có những gia đình và những “nhóm chuyên ĐCTT”. Trong giới nhà nghề ai cũng biết danh những người đầu đàn (thường được gọi là “chủ soái”) và các môn sinh thành công, sau này tiếp tục truyền bá nghệ thuật ĐCTT, theo phong cách và lề lối của thầy mình, nhưng không thể gọi là “trường phái” được.

Trong khuôn khổ bài này, tôi không thể kê khai tất cả các nhóm, các “chủ soái”, mà chỉ nói rõ tiểu sử của vài nhạc sư, nhạc sĩ mà tôi biết rõ. Tiêu biểu nhất là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, ông sinh năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Vĩnh Bảo đã lăn lộn trong giới tài tử cải lương từ lúc nhỏ, liên tục đến tuổi cao, là người đã gặp gỡ nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương tài tử. Ông là người duy nhất có thể viết lại lịch sử của ĐCTT một cách đầy đủ và chính xác. Ông cũng là người đầu tiên tham gia việc phát hành dĩa hát về ĐCTT. Ông chẳng những đờn hay mà có cách dạy học trò với phương pháp sư phạm, lại còn biết đóng đờn, những cây đờn ông đóng có âm thanh rất tốt. Ông là người đầu tiên cải tiến cây đờn tranh từ 16 dây đến 17 dây, sau này đến 19, 22, 24 dây để khả năng biểu diễn được tăng lên. Đồng thời, ngang qua ông tôi tiếp cận được với những sự thay đổi trong cách ĐCTT và chính nhờ ông tôi không còn “lạc hậu” trong cách diễn tấu những bài bản xưa. Trong nước và trên thế giới, ông nhiều lần được tôn vinh, nhận được các giải thưởng có giá trị như Giải Đào Tấn, Huân chương của Bộ Văn hóa - Thông tin Pháp với cấp bậc cao (Officier de l’Ordre des Lettres et des Arts). Ông đáng được xem là một “hậu tổ” của ĐCTT Nam bộ!

Nhắc lại một vài nhân vật đặc biệt để góp phần vào việc viết lại lịch sử ĐCTT miền Nam ngoài những bậc thầy như nhạc sư Vĩnh Bảo phải kể đến ông Nguyễn Tri Khương làng Đông Hòa, ông Bảy Triều (Vĩnh Kim - Tiền Giang), ông Tư Triều (Cái Thia - Kiên Giang), ông Trần Quang Quờn (thầy Ký Quờn - Vĩnh Long), hay đã được tôn vinh tại Bạc Liêu như ông Cao Văn Lầu…

Một buổi đờn ca tài tử ở nông thôn. Ảnh: C.T

Khác với truyền thống ca nhạc thính phòng, ca trù miền Bắc, ca Huế miền Trung trong đó tiếng ca quan trọng hơn tiếng đờn; trong ĐCTT, dàn đờn quan trọng hơn tiếng ca. Người nghe chú trọng vào chữ đờn nhấn có gân, cách sắp chữ, sắp câu duyên dáng… Nhưng tiếng ca cũng không kém phần quan trọng. Người ca không phải chỉ có ca nương như trong truyền thống ca trù hay ca Huế, mà người ca có thể là nam hay nữ. Nhiều giọng ca nam được tôn vinh như Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang, Hữu Phước, không những trong những vở cải lương, mà trong các băng dĩa ĐCTT như băng Nam Bình I, II, III.

Nghệ thuật ĐCTT gắn liền với nếp sống của nhiều tầng lớp trong xã hội ngày xưa. Rất nhiều nghệ sĩ tài tử là thợ hớt tóc, lái đò, công chức và một số bác sĩ, luật sư.

Một buổi ĐCTT không theo một chương trình sắp đặt trước. Anh em gặp nhau, cao hứng muốn đờn bản gì thì tất cả đồng ý với nhau. Trước khi vào bản, thuộc hơi nào nhạc công luôn có câu rao theo hơi đó. Câu rao theo truyền thống miền Nam khác hẳn với những bài dạo của miền Trung, rao miền Nam phóng túng hơn nhiều. Mỗi người thầy có một cách rao, lúc đầu dạy học trò, thì học trò đờn theo thầy, nhưng khi học trò đến một mức nghệ thuật tương đối khá cao, thầy cho phép học trò tạo những câu rao đặc biệt cho mình. Người đờn khi bắt đầu rao, một mặt dẫn người thính giả đi lần vào điệu, vào hơi để nghe bản đờn; cũng là lúc thử cây đờn có phím nào chênh lệch hay không, giống như người kỵ mã trước khi cưỡi ngựa cần phải biết chứng con ngựa mình đang cưỡi. Trong tô điểm chữ nhạc lại có 3 nguyên tắc đặc thù: thứ nhất, một chữ đờn hay cần phải được tô điểm một cách khéo léo. Chữ đờn không tô điểm như một đêm không trăng, một dòng sông cạn nước, một vườn thượng uyển không có hoa. Thứ hai, trong ĐCTT bàn tay mặt sanh ra những “thanh”, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp “thanh” để biến nó thành “âm”. Bàn tay mặt tạo ra cái “xác” của câu nhạc, bàn tay trái cho cái “hồn” lung linh trên cái “xác”. Thứ ba, khi đờn phải nhấn nhá, khi ca phải luyến láy.

Giới nhà nghề đánh giá tiếng đờn, giọng ca trong ĐCTT bằng những từ dùng trong văn hóa… ẩm thực: Khi lên dây thật đúng thì nói hôm nay lên dây đờn ăn quá. Hòa đờn nhuần nhuyễn thì khen bữa nay mấy cây đờn ăn với nhau lắm. Thỉnh thoảng lại còn dùng tiếng lóng như khi hai người vào câu, chuyển câu hợp với nhau thì nói hai nghệ sĩ này ăn rơ với nhau. Hoặc khen tiếng đờn hay giọng ca đó nghe rất ngọt. Ngược lại, một giọng ca không vừa lòng thính giả thường bị chê… giọng chua.

Trong cách phát triển và vận hành giai điệu, những câu nhạc luôn thay đổi theo quan điểm chân phương hoa lá (biến dịch), nhưng lòng bản không bao giờ thay đổi (bất dịch). Và khi 2 nhạc khí gặp nhau, những chữ đờn cũng thay đổi cho phù hợp với nhau và bổ sung cho nhau. Nguyên tắc đó làm kim chỉ nam cho việc phối hợp nhạc khí. Về bài bản, những nghệ sĩ ĐCTT đều biết có “20 bài tổ” cần phải học, nhưng thật ra ít có ai thuộc hết 20 bài đó. Khi gặp nhau hòa đờn cũng không đờn hết 20 bài, song phải biết tên các bài đó, gồm 6 bài Bắc (Lưu Thủy trường, Phú lục chấn, Tây Thi, Cổ bản, Bình bán chấn, Xuân tình), 3 bài Nam (Nam Xuân, Nam Ai, Đảo ngũ cung), 4 bài Oán (Tứ đại oán, Giang Nam, Phụng Hoàng, Phụng Cầu), 7 bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá). Ngoài ra, Vọng cổ nhịp 32 là được thông dụng nhất. Trong một chương trình ĐCTT lúc nào cũng có bài Vọng cổ này.

Nghệ thuật ĐCTT gắn liền với nếp sống của nhiều tầng lớp trong xã hội ngày xưa. Rất nhiều nghệ sĩ tài tử là thợ hớt tóc, lái đò, công chức và một số bác sĩ, luật sư. Qua những tư liệu viết trên (mang tính lược trích), chúng ta cũng thấy rằng nghệ thuật ĐCTT rất phong phú, đa dạng, sâu sắc, tế nhị. Ít khi các quan điểm về nghệ thuật biểu diễn hay thẩm mỹ được nói ra thành câu, viết ra thành bài, nhưng trong giới tài tử đều biết. Nếu mỗi nghệ sĩ viết lại những kinh nghiệm bản thân của mình trong nghề nghiệp, ghi lại tiểu sử của những người thầy, người bạn mà mình biết rõ, thì chúng ta sẽ có được một số tư liệu chính xác và đầy đủ hơn về lịch sử, ngôn ngữ, quy luật trong ĐCTT để xây dựng một hồ sơ hoàn hảo và toàn diện về ĐCTT.

Truyền thống ĐCTT không phải bất di bất dịch, mà có thể thay đổi theo niên đại, môi trường và quan điểm thẩm mỹ. Nhưng phải nhìn nhận rằng, ĐCTT ngày nay không còn chất “không chuyên nghiệp” như ngày xưa, mà có nhiều nhóm hay câu lạc bộ đã trở thành những nhóm “bán chuyên nghiệp” hoặc “chuyên nghiệp” (vì đã đờn thường trực cho những cơ quan du lịch, những đài truyền thanh, truyền hình).

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.