Những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu

Thứ Năm, 24/04/2014 | 08:53

Bài 7: Mở đợt đồng loạt tấn công địch

>>Bài 1: 20 phút tiêu diệt Đại đội bảo an 66 đồn Bà Ai
>>Bài 2: “Lấy ít thắng nhiều”
>>Bài 3: Mười phút - tiêu diệt cả Đại đội 411 của địch
>>Bài 4: “Đi phải chiến thắng, đánh phải dứt điểm”
>>Bài 5:
Đánh nhanh - diệt gọn
>>Bài 6: 30 phút tập kích sân bay Bạc Liêu

Hiệp định Paris (ký kết ngày 27/1/1973) đã mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam. Song, với bản chất hiếu chiến, Mỹ tiếp tục bám giữ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, vạch cho Thiệu kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” để chuyển bại thành thắng khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Được Mỹ tiếp tục viện trợ về kinh tế và quân sự, chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở các cuộc hành quân lấn chiếm giành đất, giành dân, nhưng đã bị quân, dân ta đập tan kế hoạch.

Lực lượng vũ trang tỉnh tiêu diệt đồn địch, mở rộng vùng giải phóng. Ảnh: V.A.K

Tại Bạc Liêu, từ đầu tháng 1/1973, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, địch triển khai kế hoạch bình định lấn chiếm, chúng dùng máy bay B52 rải bom ở các xã Vĩnh Lộc, Ninh Quới, Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân); mở nhiều cuộc càn quét tái chiếm những vị trí đã mất và lấn chiếm những vùng xung yếu khác.

Trong khi Mỹ, ngụy tăng cường các hoạt động vi phạm hiệp định, thì lực lượng vũ trang Bạc Liêu được quán triệt Chỉ thị 02 của Trung ương Cục miền Nam hướng dẫn khi có giải pháp chính trị. Đầu tháng 1/1973, Khu ủy Tây Nam bộ điều chỉnh kế hoạch mùa khô, xây dựng kế hoạch thời cơ, chỉ thị lực lượng khu, Tỉnh ủy đứng chân vững chắc các địa bàn trọng điểm. Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri 04 “Chủ động tấn công đánh bại chiến dịch tràn ngập lãnh thổ, cắm cờ, lấn đất, giành dân của địch”. Ta xây dựng kế hoạch tấn công ba mũi từng vị trí đồn bót địch.

Đêm 27 rạng sáng 28/1/1973, lực lượng ba mũi của ta xông lên bao vây lấn sát đồn bót địch, chiếm lĩnh các ấp tranh chấp và kiềm mới. Lực lượng ta cắm cờ, băng, phóng thanh vào đồn bót, tuyên truyền nội dung Hiệp định Paris, chính sách hòa hợp dân tộc, chính sách 10 điểm của Mặt trận, kêu gọi binh sĩ lập công về với nhân dân, kêu gọi đồn bót án binh bất động, vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Tại huyện Vĩnh Lợi, đã có 94 gia đình binh sĩ vào đồn bót vận động làm rã 52 binh sĩ, xây dựng mới 28 cơ sở. Nhiều đồn bót án binh bất động không ra khỏi đồn, số ít đồn bót đưa quân ra gỡ băng cờ bị du kích nổ súng, chúng co lại chờ xem tình thế.

Ngày 1/2/1973, toàn tỉnh đồng loạt tiến công chính trị binh vận Tết Nguyên đán. Chỉ 10 ngày trước, trong và sau tết, có 674 binh sĩ đào rã ngũ.

Ngày 2/2/1973, Tư lệnh vùng IV chiến thuật ngụy họp với thuộc cấp, truyền đạt mệnh lệnh của Tổng thống Thiệu: “trên hòa bình, dưới chiến tranh, ngoài hòa hợp, trong bình định”, chủ trương “3 ngăn”: ngăn quần chúng nổi dậy, ngăn ngụy quyền sụp đổ, ngăn ngụy quân tan rã, chỉ tiêu đến hết ngày 26/3/1973.

Triển khai lệnh của Thiệu, Tỉnh trưởng Bạc Liêu - Nguyễn Ngọc Điệp lệnh cho tất cả đồn bót, các thứ quân bung ra bình định, lấn đất giành dân. Chúng ra lệnh xử bắn người nào hoan hô hòa bình, xử bắn lính đào ngũ, bỏ tù gia đình có con đi lính bỏ trốn; cấm dân tụ tập, bàn tán; cấm đi lại vùng giải phóng; bắt dân treo cờ “ba que” ngay trước nhà, dưới ghe, xuồng, sơn cờ trên mái nhà.

Ngày 3/2/1973, Thường vụ Khu ủy họp mở rộng đánh giá tình hình, diễn biến chiến trường những ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Hội nghị đi đến quyết định quan trọng: “Mỹ - Thiệu thua nhưng ngoan cố phá hoại hiệp định”. Từ cơ sở cao trào chính trị của quần chúng, ta phải làm tan rã hàng ngũ địch, buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.

Ở huyện Vĩnh Lợi, tháng 4/1973, Tiểu đoàn Phú Lợi phối hợp với du kích xã Châu Thới, diệt đồn Giồng Bốm, đánh thiệt hại nặng phân khu Vĩnh Hưng, bao vây pháo kích 14 đồn bót, đánh địch nống ra phản kích, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên. Du kích xã Long Thạnh kết hợp nội tuyến tiêu diệt một đồn dân vệ, hai cốt phòng vệ, bốn cốt gác cầu ở Cái Tràm, thu 66 súng. Ở huyện Hồng Dân, địa phương quân và du kích các xã đánh địch càn quét lấn chiếm, diệt hàng trăm tên, nhiều nơi giữ vững vị trí chiếm lĩnh ở vùng tranh chấp, áp sát đồn bót địch.

Đêm 3/5/1973, vào đợt tấn công đồng loạt toàn khu Tây Nam bộ nhằm đánh phủ đầu kế hoạch bước hai lấn chiếm trọng điểm Chương Thiện của 72 tiểu đoàn chủ lực và bảo an ngụy. Phối hợp với chiến trường trọng điểm Chương Thiện, chủ lực Quân khu, Tiểu đoàn Phú Lợi kết hợp với địa phương quân và du kích các xã thuộc huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi đánh thiệt hại nặng Chi khu Ngan Dừa, diệt và bứt rút một số đồn bót địch. Nổi bật là trận tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch đóng dã ngoại tại ấp Ninh An (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) diệt 136 tên, bắt sống 37 tên, thu hàng trăm súng.

Tháng 6/1973, Mỹ - ngụy buộc phải ký với ta thông cáo chung về ngừng bắn, nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Paris. Mặc dù địch bố phòng nghiêm ngặt nhưng lực lượng ba mũi của ta vẫn chiếm lĩnh 90 ấp, bao vây 115 đồn bót, phát động quần chúng nổi dậy, đánh trống mõ, treo băng cờ, phát loa, thông báo lệnh ngừng bắn và bản thông cáo chung.

Bước vào quý III/1973, tình thế ta và địch ở miền Nam, Tây Nam bộ cũng như chiến trường Bạc Liêu có những biến đổi quan trọng có lợi cho ta. Mỹ rút quân kéo theo sự cắt giảm viện trợ, tinh thần, tư tưởng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn càng thêm xuống dốc. Ngày 20/11/1973, tỉnh Bạc Liêu được tái lập, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh được Khu ủy chỉ định gồm 11 thành viên, do đồng chí Nguyễn Văn Đáng (Tư Huờn), Khu ủy viên làm bí thư. Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định và triển khai thực hiện có nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, khẩn trương một bước ổn định về tổ chức, lực lượng vũ trang chính trị, củng cố vùng căn cứ; vừa chuẩn bị ngay kế hoạch tấn công mùa khô 1973 - 1974, phối hợp với chiến trường chung chống kế hoạch bình định và cướp rút lúa của địch.

(Nguồn: Ban Tuyên huấn Tỉnh đội Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.