GẶP GỠ GS-TS TRẦN VĂN KHÊ TẠI “KHÔNG GIAN ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ”: “Bạc Liêu đã đem âm nhạc gieo vào lòng công chúng”!

Thứ Sáu, 25/04/2014 | 21:18

Vẫn là phong thái đĩnh đạc, nụ cười hiền túc trực trên môi và nói chuyện về đờn ca tài tử (ĐCTT) bằng cả niềm hứng khởi, say mê, thậm chí có thể ngẫu hứng ca một đoạn Lưu thủy trường khi được yêu cầu; đó chỉ có thể là GS-TS Trần Văn Khê - một bậc thầy về ĐCTT Nam bộ. Về Bạc Liêu, gặp gỡ giới nghệ nhân, mộ điệu tại “Không gian đờn ca tài tử Nam bộ” (trong khuôn khổ Festival ĐCTT quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014), “Thầy” - cách xưng hô của GS-TS Trần Văn Khê - đã chia sẻ chân tình những cảm xúc của mình trong ngày hội ngộ đặc biệt này.

Nghệ nhân, tài tử các tỉnh tặng hoa và chúc sức khỏe GS-TS Trần Văn Khê nhân chuyến ông về dự Festival ĐCTT quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014. Ảnh: H.Thọ

ĐCTT không phải là tài sản riêng ở một địa phận, địa phương nào, mà tất cả những người dân ở miền Nam nước Việt đều coi đó là một phương tiện vừa để giải trí, vui chơi, vừa làm thỏa mãn được sự sáng tạo nghệ thuật của người Nam bộ. Vì ý nghĩa đó, hôm nay gặp gỡ được như vầy, ở nơi này, trong sự thân tình của tiếng đờn hòa chung từ tỉnh này qua tỉnh kia, tất cả 21 tỉnh, thành hiệp lại rõ ràng càng chứng minh Nam bộ có một bộ môn nghệ thuật rất đáng tôn trọng, rất đáng gìn giữ, rất đáng phổ biến và dạy dỗ cho con em. Bạc Liêu đã đi đầu ở chỗ giáo dục thế hệ trẻ khi đưa ra một biểu tượng chiếc đờn kìm to lớn trước Quảng trường Hùng Vương. Đó gọi là “cách” đem âm nhạc gieo vào lòng công chúng, chớ không phải để âm nhạc riêng chơi cho một số người mộ điệu với nhau. Mà việc nhân rộng ra trong không gian, rộng ra trên cả đất nước như vậy là điều rất quý.

PV: Nhân dịp này, “Thầy” có thể nhắc lại một chút về việc UNESCO vinh danh nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa thế giới dưới cảm nhận của mình?

GS-TS Trần Văn Khê: Việc ĐCTT được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Thầy cho đó là điều dĩ nhiên. Thầy rất vui nhưng không ngạc nhiên. Bởi vì từ năm 1963 - 1974 thầy đã có nhiều dịp nói chuyện về ĐCTT tại UNESCO, ngay từ lúc đó UNESCO đã gián tiếp nhìn nhận bộ môn này xứng đáng được chọn đưa vào dĩa hát mang nhãn hiệu UNESCO, như vậy họ đã gián tiếp nhìn nhận ĐCTT có giá trị đặc biệt! Bây giờ UNESCO đã nhìn nhận chính thức cho thế giới biết rằng dân tộc Việt Nam có một bộ môn nghệ thuật vừa là phương tiện giải trí, vừa thỏa mãn óc sáng tạo của dân tộc; đem sự ngẫu hứng, đem sự gặp gỡ với nhau mà chơi với nhau từ tỉnh này qua tỉnh kia, không cần gặp nhau, không cần hòa tập trước vẫn ăn đờn với nhau giống như tất cả con dân miền Nam Việt Nam này cùng chung nhịp đập của trái tim. Mong rằng sự gặp gỡ này sẽ gây ra tình đoàn kết thật sự, lòng thương yêu giữa những người chơi ĐCTT, cùng giúp đỡ lẫn nhau, đừng tranh hơn thua, mỗi người đều có một cá tính, một đặc thù. Mong rằng đây là nơi gặp gỡ để trao đổi với nhau những nét đặc thù, trao đổi với nhau những ngón đờn hay, trao đổi với nhau cả tình yêu qua nghệ thuật để thương yêu dân tộc và thương yêu đất nước Việt Nam!

Xin nói thêm rằng, ĐCTT không phải chỉ của những người miền Nam Việt Nam mà ngay cả miền Trung, miền Bắc, kể cả ở hải ngoại khi nghe vọng cổ, không ai không gạt nước mắt. Và bây giờ, qua sự giới thiệu của UNESCO, cả thế giới nhìn ĐCTT không phải với cặp mắt tò mò, mà nhìn bằng sự ngưỡng mộ, thán phục. Điều đó cho thấy, vị trí mới của ĐCTT trên trường quốc tế và ĐCTT xứng đáng được như thế!

PV: Trong việc lưu truyền nghệ thuật ĐCTT, “Thầy” nghĩ gì về thái độ tiếp nhận của lớp trẻ hôm nay đối với bộ môn nghệ thuật này?

GS-TS Trần Văn Khê: Trong nhiều buổi hội thảo, liên hoan về ĐCTT, thầy thấy có đông đảo giới trẻ bắt đầu tìm hiểu, mà có hiểu mới thương, có thương mới học, có học mới luyện, có luyện mới biểu diễn được; cho thấy sinh hoạt ĐCTT sẽ sống mãi với tất cả mọi thành phần, lứa tuổi ở đất nước Việt Nam này. Vì nếu chỉ có… mấy ông già chơi ĐCTT thì khi mấy cụ qua đời rồi ĐCTT cũng theo các cụ về cõi vĩnh hằng. Nhưng nếu thanh niên sẵn sàng tiếp nhận và tiếp tục chơi ĐCTT thì điều này rất đáng mừng và đáng trân trọng. Thầy cũng xin nói rõ không phải chơi ĐCTT là bế môn, thỏa mãn, không chơi những bộ môn khác, mà nên hiểu những bộ môn khác có ý nghĩa làm cho chúng ta thêm vui, cái chính là ĐCTT phải là bộ môn chính, là căn bản.

PHAN TỪ (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.