Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT Nam bộ”: Nhìn nhận đúng bản chất bảo tồn và phát huy đúng cách

Thứ Ba, 29/04/2014 | 09:15

Là một trong các hoạt động “bản lề” trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT Nam bộ” vừa diễn ra tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu. Hội thảo là một hoạt động mang tính điểm nhấn có giá trị về thực tiễn và lý luận bởi những đóng góp trí tuệ và tâm huyết của các giáo sư đầu ngành, các nhà nghiên cứu và tiếng nói của những nghệ nhân, tài tử…, để từ đó, di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT Nam bộ được bảo tồn và phát huy đúng cách.

* GS-TS Trần Văn Khê:

Giữ gìn, phát triển và phổ biến ĐCTT không là trách nhiệm riêng của những nhà chuyên môn…

…Sau khi được UNESCO nhìn nhận là di sản văn hóa thế giới, ĐCTT không thể phát triển theo chiều hướng hiện nay. Các nghệ nhân, nhất là những người cao niên cần được chăm sóc để đem hết hiểu biết của mình truyền lại cho giới trẻ, các nghệ nhân nên được tôn vinh như một di sản quý! Những nghệ nhân tận tụy với âm nhạc truyền thống ở Nhật được nhận huy hiệu “Quốc gia chi bảo”, ở Ấn Độ cũng được vinh danh và hưởng lộc đến cuối đời. Trong nước ta cũng có những danh hiệu như “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”…, nhưng mấy khi nghệ nhân dân gian được phong những danh hiệu đó? Chúng ta cũng chưa giúp nghệ nhân sinh sống nhờ tài nghệ của mình, thường thì các nghệ nhân phải kiếm một nghề khác để sống…

Không chỉ phổ biến ĐCTT trong các lễ hội, mà có thể tổ chức những buổi ĐCTT có “thuyết minh” cho học sinh các trường tiểu học, trung học. Các phương tiện truyền thông nên dành thời gian để giới thiệu ĐCTT, báo chí cũng nên dành “đất” cho sự trao đổi giữa nghệ nhân, nghệ sĩ và người hâm mộ ĐCTT. Những doanh nghiệp lớn có thể tổ chức hàng năm những cuộc liên hoan ĐCTT để các câu lạc bộ (CLB) từ nhiều tỉnh gặp nhau, dân chúng có dịp thưởng thức tài nghệ của nhiều nhạc sĩ và coi đó là một phương tiện giải trí có tính cách văn hóa… Giữ gìn, phát triển và phổ biến ĐCTT không là trách nhiệm của riêng những nhà chuyên môn mà mọi người phải cùng chung tay, góp sức.

* Soạn giả Ngô Hồng Khanh, nguyên Vụ trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương:

Từ “Dạ cổ hoài lang đến” vọng cổ - Đột phá mà không mất gốc!

Chúng ta hiểu đột phá là sáng tạo, là phát triển, là cách tân. Thế nhưng, từ “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) đến bản vọng cổ ngày hôm nay đã trải qua nhiều bước đột phá nghệ thuật, phát triển, cách tân mà không làm mất gốc, không làm mất đi cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của sự sáng tạo ban đầu của DCHL. Đó là quy luật của bảo tồn và phát triển. Bảo tồn mà không bảo thủ, không giữ mãi, không cố định… Sự vật, cuộc sống, nghệ thuật và cuộc đời luôn vận động, vận động trong sự gìn giữ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ngoài giá trị âm nhạc, từ DCHL đến bài vọng cổ hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò của lời ca, văn học. Một bài vọng cổ hay, trước tiên là lời ca hay, văn học hay! Hàng vạn bài vọng cổ nhịp 32 với những bài có tính văn học cao, sức truyền cảm lớn đã sống suốt mấy mươi năm trong lòng người, góp phần làm nên một di sản văn hóa của nhân loại như ngày nay.

…Chúng ta đã biết, về bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc, thì vọng cổ, cải lương là hậu duệ của ĐCTT. Trong tài tử có cải lương và trong cải lương đã có tài tử. Tài tử và cải lương là máu của máu, là tâm hồn của tâm hồn. Chỉ khác nhau là sử dụng nó ở dạng thức, không gian và hình thái nào mà thôi…

* PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Nhạc viện TP. HCM:

Sáng tác bản đờn - một cách bảo tồn và phát triển ĐCTT trong giai đoạn hiện nay

…Để có những sáng tác mới cho nhạc tài tử, có thể bắt đầu từ những nghiên cứu về âm luật, âm điệu, nhịp điệu, cấu trúc… của những nhà nghiên cứu, mở rộng giảng dạy để có nhiều tài tử đờn, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, phổ biến những tư liệu về nhạc tài tử. Về phong cách, lối chơi tài tử phải luôn được tôn trọng, giữ gìn trong các liên hoan, CLB… để tạo nền tảng cho nhạc giới, cho những sáng tác ở tương lai. Tất nhiên, sáng tác bản đờn tài tử tuy chỉ là một lối đi nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật, nhưng đây là cách để ĐCTT tồn tại không phải như một dư âm của quá khứ mà vẫn phát triển rộng lớn. ĐCTT cần được khơi gợi nên những sáng tạo mới, bắt đầu từ những bản đờn mới với nền tảng khuôn mẫu cũ nhưng trên những sáng tạo mang hơi thở thời đại. ĐCTT tồn tại trong lòng mỗi người dân Nam bộ như một niềm tự hào về giá trị văn hóa đặc trưng của con người và vùng đất, nhưng ĐCTT sẽ càng phát triển, mở rộng, tồn tại một cách vững chắc trong tương lai khi được khơi nguồn và không ngừng sáng tạo.

* Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tấn Nhì:

Bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam bộ trong xã hội đương đại - những vấn đề cần quan tâm

Đời sống đương đại đâu còn cảnh nông nhàn để đờn ca thâu đêm suốt sáng, ĐCTT ngày nay khi đi giao lưu hay phục vụ phải thay đổi phong cách trình tấu, cấu trúc chương trình, bài bản tươi mát, gọn nhẹ hơn, trích đoạn, trích lớp những bài bản dài, sử dụng ca ra bộ, vọng cổ hài hước để hòa mình cùng khán thính giả trong đời sống đương đại.

Muốn bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam bộ trong đời sống đương đại, cần phải làm theo các lộ trình như: Tập cho giới trẻ tiếp cận với ĐCTT thông qua các bài bản vắn, nhẹ nhàng, làn điệu vui tươi để bước đầu các em làm quen với làn điệu rồi yêu thích. Cơ quan chức năng phải mời thầy đờn, chiêu sinh, mở lớp dạy ĐCTT, dạy sử dụng các nhạc cụ dân tộc; thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn độc tấu, song tấu, hòa tấu các nhạc cụ dân tộc với hệ thống bài bản đầy đủ…

* Ông Võ Trường Kỳ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Long An:

Xác định đối tượng để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT

Về bài bản, trước hết phải nói đến 20 bản Tổ, vì đây là hồn cốt của ca nhạc tài tử Nam bộ. Sau đó, có thể tiếp tục chọn lựa, bổ sung thêm những bản khác, sự tiêu biểu của ca nhạc tài tử Nam bộ để sớm xác lập danh mục cần bảo vệ. Về nghệ nhân, phải định nghĩa rõ ràng thế nào là nghệ nhân ĐCTT để từ đó có chính sách bồi dưỡng nhân tài thỏa đáng với họ. Về phong cách trình diễn, đối với môi trường chuyên nghiệp thì trình diễn thuần túy theo phong cách tài tử, mang đặc trưng, tính chất cổ điển, không trộn lẫn phong cách sân khấu cải lương; còn đối với môi trường sinh hoạt thì không câu nệ phải theo phong cách nào để khuyến khích tự do sáng tạo trong phong trào văn nghệ quần chúng, mang đặc trưng, tính chất dân gian…

Cẩm Thúy

(lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.