Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thứ Sáu, 18/07/2014 | 18:06

Chính phủ đã có Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch để thực hiện nhằm thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng, nâng cao đời sống nông dân.

Thực trạng…

Từ khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập năm 1997 đến nay, ngành Nông nghiệp liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện. Sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức sản xuất, sản lượng lúa từ 517.410 tấn năm 1997 tăng lên 1.017.816 tấn năm 2013. Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tăng nhanh, từ 42.185ha, sản lượng 10.168 tấn năm 1997 tăng lên 127.833ha, sản lượng 164.000 tấn năm 2013. Phương tiện đánh bắt, sản lượng khai thác hải sản cũng có bước phát triển khá. Nếu năm 1997 có 957 tàu cá, tổng công suất 40.225CV, sản lượng khai thác hải sản 39.832 tấn, thì đến năm 2013 có 1.234 tàu cá, tổng công suất 169.745CV, sản lượng khai thác hải sản 99.000 tấn. Xuất khẩu nông sản từ 57,38 triệu USD năm 1997 tăng lên 377,08 triệu USD năm 2013. Doanh thu bình quân 1ha đất trồng trọt đạt hơn 8 triệu đồng và 1ha đất NTTS đạt gần 10 triệu đồng năm 1997 tăng lên trên 61 triệu đồng/ha đất trồng trọt và hơn 150 triệu đồng/ha đất NTTS năm 2013. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước được nâng cấp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

* Sản xuất lúa tôm - một trong những mô hình sản xuất bền vững của huyện Phước Long.

* Mô hình nuôi gia cầm khép kín theo hướng an toàn sinh học ở huyện Giá Rai. Ảnh: M.Đ

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp, nông thôn Bạc Liêu vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cản trở đến quá trình phát triển bền vững. Kinh tế nông nghiệp của tỉnh có điểm xuất phát thấp, chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững; chưa gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp luôn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản còn hạn chế…

... VÀ Những việc cần làm ngay

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực gồm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch… Đồng thời, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Tỉnh xác định việc cần làm ngay, mang tính đột phá đối với những sản phẩm chủ lực của ngành như: tôm sú, tôm thẻ, cua biển, lúa gạo chất lượng cao, măng tây, ngò rí, muối... để thực hiện tái cơ cấu ngành và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp. Thông qua việc xây dựng và hoàn thiện 7 cánh đồng mẫu lớn để trở thành các mô hình cánh đồng mẫu nhằm triển khai nhân rộng.

Ngành Nông nghiệp cũng đã thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm - diêm nghiệp và thủy sản đến năm 2020. Trong đó, chuẩn bị trình phê duyệt Quy hoạch thủy lợi; đang triển khai lập Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa; Quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với hệ thống lò giết mổ tập trung; Quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu và khu rừng Canh Điền (huyện Đông Hải); Đề án xã xây dựng nông thôn mới…

Tiến hành xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh lúa gạo, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Một số doanh nghiệp nông nghiệp bước đầu ứng dụng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm như mô hình nuôi tôm trong nhà kính, sản xuất tôm giống chất lượng cao. Từng bước kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nói về những lợi ích khi tiến hành tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cải thiện đời sống nông dân, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đẩy nhanh tiến độ, lộ trình xây dựng nông thôn mới”.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.