Cảm thức Festival Đờn ca tài tử

Thứ Tư, 23/07/2014 | 16:52

Khi tôi đặt bút viết bài báo này thì Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần I - Bac Liêu 2014 (gọi tắt là Festival) đã bế mạc cách đây 3 tháng. Đó là khoảng thời gian đủ để người ta bình tâm, thăng bằng cảm xúc mà ngắm nhìn kỹ lưỡng, khách quan cả chiều rộng lẫn chiều sâu một sự kiện lớn của quốc gia, một lễ hội lớn chưa từng có tại đất Bạc Liêu này.

Hơn nữa, hồi Festival mới bế mạc, vài bài báo thông tin sai, tạo ra sự ngộ nhận lớn trong dư luận. Giờ đây, những tờ báo nói sai đã cải chính, xin lỗi, Ban tổ chức Festival đã mở hội nghị tổng kết để đánh giá toàn diện, sâu sắc sự kiện này… cho phép dư luận tiếp cận rộng hơn để nhận định Festival một cách đầy đủ, thấu đáo.

Chính vì thế, sau hội nghị tổng kết Festival, các báo đua nhau thông tin: Festival đã thành công tốt đẹp… Cụm từ “thành công tốt đẹp” ấy đã phản ánh bao trùm, đầy đủ, vậy mà tôi cứ có cảm giác nó chưa thật sự gợi cảm, chưa lột tả hết đỉnh cao và chiều sâu của sự thành công rực rỡ này.

Trước Festival, tôi được phân công làm thành viên tiểu ban nội dung, trong Festival tôi được giao phụ trách “phục vụ” các đồng nghiệp ở các báo Trung ương tác nghiệp tại lễ hội. Và hơn thế nữa tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất được mệnh danh là một trong những “chiếc nôi” của ĐCTT Nam bộ. Nghĩa là tôi tiếp cận với Festival ở nhiều góc độ, có ngọn, có ngành, có gốc, có rễ. Tiếp cận nó càng sâu tôi càng thấy lòng mình có những niềm vui thầm kín mà chứa chan về vùng đất mà mình đã gửi lá nhau, cuốn rốn.

Nhớ hồi nhỏ, mới 7 - 8 tuổi mà đêm nào tôi cũng mê muội đi theo mấy anh chị trong xóm đến những sòng đờn ca. Đó là những năm đất Bạc Liêu bom pháo đầy trời, chết chóc đau thương và đói nghèo từ đời này qua đời khác vì thiếu một không gian thanh bình và tự chủ để làm ăn sinh sống. Xóm làng chìm trong tăm tối. Người ở các làng quê ấy cứ xanh xao vàng vọt thể chất và khô héo tâm hồn. Vậy mà lạ lùng thay, sau những đợt bom gầm, pháo dội, từ các làng quê tối tăm, đau khổ, đêm đêm vẫn cất lên tiếng đờn lời ca ngọt ngào của điệu Nam ai, Phụng hoàng, vọng cổ… Câu hát bay qua sông, qua đồng dập dờn bảng lảng trên làng quê rồi biến thành chất tài tử, hồn xứ sở. Người quê cất lên tiếng ca cho đời vơi bớt niềm đắng cay, cực nhọc. Họ hát về lẽ phải, về luân lý cuộc đời, về niềm hy vọng để mà hun đúc tình yêu quê hương, lòng thủy chung son sắt đi cùng dân tộc đến độc lập tự do, no cơm, ấm áo. Trải qua bao sóng gió dập vùi, người Bạc Liêu nói riêng, Nam bộ nói chung vẫn vững vàng là những con người nhân hậu, khoan dung, rộng mở. Sức mạnh của truyền thống dân tộc giúp họ vượt qua phong ba, trong đó có âm nhạc ĐCTT.

Bởi thế, nghệ thuật ĐCTT là một vấn đề lớn của Nam bộ. Chính vì nó lớn lao nên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sắc màu lễ bế mạc Festival. Ảnh: H.T

Khi tỉnh Bạc Liêu đề xuất tổ chức Festival ĐCTT thì Việt Nam mới làm hồ sơ xin UNESCO công nhận ĐCTT là di sản văn hóa thế giới và chưa được công nhận, cũng chưa ai tổ chức Festival cho ĐCTT. Điều này cho thấy, đề xuất của Bạc Liêu là mang tính đón đầu và một tầm nhìn sâu sắc sự lớn lao của ĐCTT. Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng đã nói với báo chí ngay từ đầu rằng: “ĐCTT là bản sắc văn hóa của Nam bộ. Tổ chức Festival ĐCTT là làm sâu sắc thêm bản sắc văn hóa của vùng đất. Mà bản sắc văn hóa chính là sức mạnh của Nam bộ…”. Chính vì thế, khi đánh giá chủ trương tổ chức Festival ĐCTT, một đại biểu ngoài tỉnh đã nói rằng: “Bạc Liêu đã có sự lựa chọn đúng đắn, đầy ý nghĩa”. Và cũng chính vì thế, 21 tỉnh, thành Nam bộ đã đồng lòng ủng hộ Bạc Liêu tổ chức Festival ĐCTT. Bạc Liêu không chỉ làm cho mình, mà cùng với Nam bộ làm nên một điều lớn lao cần làm của Nam bộ.

Cũng tại hội nghị tổng kết Festival, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - Huỳnh Vĩnh Ái đã phát biểu đại ý: Các tỉnh, thành đã nói với ông rằng, rất nể Bạc Liêu. Thường thì các festival chỉ có 3 - 4 sự kiện: khai mạc, trưng bày, bế mạc…, còn Festival ở Bạc Liêu có đến 21 sự kiện. Với ngần ấy đã làm cho lễ hội vô cùng phong phú và hấp dẫn. Nó hấp dẫn từ khai mạc cho tới kéo màn bế mạc rồi mà người ta vẫn còn luyến tiếc. Thế nên, ông chưa thấy cuộc gặp gỡ nào đông đủ như lễ hội này. Đó là cuộc gặp gỡ, giao lưu của nghệ nhân, nhà khoa học và công chúng. Nó chứng minh cho thế giới biết rằng, ĐCTT là do nhân dân Nam bộ sáng tạo, họ dự Festival là dự lễ hội của mình…

Có lẽ việc “các tỉnh, thành nể Bạc Liêu” là ngoài ý nghĩ của những người tổ chức, điều có thể thấy rằng, trước Festival hàng năm trời là sự vận động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bạc Liêu làm đêm, làm ngày, cốt làm sao chuẩn bị đầy đủ nhất cho Festival.

Thành công tốt đẹp. Đó là lòng tự trọng của vùng đất có chiều sâu văn hóa và thái độ, trách nhiệm cao nhất của một Đảng bộ trước nhiệm vụ Trung ương giao phó, sự mệnh mà các tỉnh, thành Nam bộ ủy thác. Trong đó, chứa đựng khát vọng phát triển của người Bạc Liêu với mong muốn tạo dấu ấn cho ĐCTT, dấu ấn cho vùng đất Bạc Liêu để làm động lực phát triển. Và rồi Bạc Liêu cùng với Nam bộ và cả nước đã làm được điều ấy, qua việc tính toán chi ly, khoa học chương trình Festival tiêu tốn rất nhiều công sức. Một Festival ĐCTT đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhiều người về ĐCTT, về đất và người Bạc Liêu. GS-TS Trần Văn Khê và nghệ nhân Võ Hồng Kỳ ở tỉnh Long An đã cảm tưởng rằng: Cảm ơn Ban tổ chức, cảm ơn Bạc Liêu đã tặng cho họ những ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật….

Thành công lớn nhất của Festival ĐCTT như nhiều tờ báo và nhiều người tham dự là chúng ta đã hệ thống, trình bày một cách sinh động quá trình hình thành của ĐCTT Nam bộ, sức sống của nó trong quá khứ và đời sống đương đại; cần phải làm gì để giữ gìn và phát triển ĐCTT… để từ đó người Nam bộ và cả nước hiểu đầy đủ hơn về ĐCTT. Hiểu để thấy rằng, ĐCTT là do nhân dân Nam bộ - những người chân lấm tay bùn sáng tạo ra và nó đã góp phần nuôi dưỡng, xây đắp tâm hồn cho họ. Họ đã nương dựa vào nó và truyền thống dân tộc để vượt qua phong ba bão táp. Hiểu để thêm yêu, thêm quý cái vùng đất Nam bộ khai mở muộn màng, lắm đau thương, nhọc nhằn mà cũng đầy chất nghệ sĩ.

Đối với góc độ Bạc Liêu, có thể nói chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mang lại nhiều điều tốt đẹp cho xứ sở. Đó là tiếng thơm, là dấu ấn cho du khách về một vùng đất mến khách, hữu tình, vùng đất đẫm sâu của một trong những “chiếc nôi” của ĐCTT Nam bộ. Và có rất nhiều công trình để đời, phục vụ lâu dài cho kinh tế, xã hội Bạc Liêu mà chỉ có Festival ĐCTT mới đủ sức huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực.

Đó là niềm vui lớn của người Bạc Liêu, là tiền đề để “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”!

PHAN TRUNG NGHĨA

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.