Ngư dân bám biển: Mừng nhưng vẫn lo!

Thứ Tư, 27/08/2014 | 16:41

Ngày 25/8/2014 được xem là mốc thời gian quan trọng đối với ngư dân, khi Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực (gọi tắt là Nghị định 67). Đây được đánh giá là nghị định mang tính đột phá trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Nghị định này không chỉ giúp ngư dân an tâm bám biển, làm giàu từ biển, mà còn gắn với nghĩa vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Ưu tiên cho tàu lớn

Với những chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67, tùy theo đóng mới tàu sắt hay tàu gỗ mà ngư dân chỉ trả lãi từ 1 - 3%/năm, lại được vay từ 70 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, và thời hạn cho vay kéo dài đến 11 năm; cho vay vốn lưu động đến 70% chi phí cho chuyến đi biển và cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vận chuyển sản phẩm sau chuyến đánh bắt tại cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Tú Anh

Ông Nguyễn Tấn Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Sẽ tổ chức hội nghị để triển khai Nghị định 67 đến bà con ngư dân

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT, nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân khá lớn. Chỉ tính riêng vay vốn lưu động cho từng chuyến đi biển cũng có đến 260 tàu đăng ký với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng. Đối với việc đóng mới tàu đánh bắt xa bờ có công suất hơn 400CV, Bạc Liêu được Trung ương đầu tư cho 38 tàu. Trong đó, 35 tàu hoạt động đánh bắt, và 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tới đây, Sở NN&PTNN sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 67 đến ngư dân và các ngành có liên quan để thực hiện tốt nghị định này.

Chính sách hỗ trợ này đã giải quyết những khó khăn trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản lâu nay, nhất là vốn lưu động phục vụ những chuyến khai thác dài ngày trên biển.

Ông Phan Thanh Bình - một chủ tàu cá (khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) nói: “Gia đình tôi có một tàu đánh bắt xa bờ với 11 thuyền viên. Mỗi chuyến đi biển (3 tháng) chi phí từ 300 - 400 triệu đồng. Để thuyền viên gắn bó với mình, chủ ghe phải ứng trước cho họ từ 5 - 10 triệu đồng/chuyến đi biển. Do phần lớn các chủ ghe không được vay theo chính sách hỗ trợ, nên thường vay nóng ở ngoài với mức lãi từ 5 - 10% tháng. Giờ nghe Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, tôi rất mừng”.

Nghị định 67 cũng chính là cơ hội để ngư dân làm dịch vụ nghề biển làm giàu. Như hộ ông Liên Văn Lợi (chủ vựa cá Đức Lợi, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) với 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, mỗi chuyến đi biển, ông Lợi thu mua gần 12.000 tấn thủy sản của ngư dân. Đồng thời, cung cấp lương thực, xăng dầu, nước đá, ngư lưới cụ, hỗ trợ y tế trên biển... nhằm giúp các phương tiện này đánh bắt dài ngày trên biển, giảm tối đa những khoản chi phí phát sinh khi phải chạy tàu vào cảng lên hàng (vừa tốn thêm tiền dầu, vừa mất thời gian, thủy sản lại bán không được giá…).

Theo ông Liên Văn Lợi: “Dịch vụ hậu cần nghề cá giúp doanh nghiệp chủ động về nguồn hàng để cung ứng cho thị trường. Tôi đang chuẩn bị đóng mới tàu sắt có công suất hơn 1.000CV (mã lực), sức chứa hơn 400 tấn thủy sản để phát triển mạnh nghề dịch vụ hậu cần nghề cá”.

nâng cấp tàu nhỏ

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 67 là khuyến khích đóng mới tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy chính từ 400CV trở lên, hoặc đối với tàu có công suất dưới 400CV thì phải nâng cấp máy chính từ 400CV trở lên. Bên cạnh đó, chủ phương tiện phải hoạt động có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

Với những quy định trên, xem ra ngư dân Bạc Liêu sẽ tiếp cận không được nhiều. Bởi trong tổng số 1.247 tàu cá trong toàn tỉnh, thì số tàu có công suất hơn 400CV chỉ có 93 tàu, còn số tàu có công suất từ 250CV đến dưới 400CV có đến 308 tàu, từ 250CV - 90CV có 111 tàu, đặc biệt có hơn 660 tàu có công suất từ 50CV đến dưới 20CV. Đó là chưa kể đến có hơn 70 tàu xếp vào loại siêu nhỏ cấm không được khai thác.

Vậy, đối với các phương tiện, đánh bắt nhỏ, khai thác các nghề cấm thì sẽ đầu tư chuyển đổi như thế nào? Vì với phương tiện khai thác nhỏ như thế, họ không thể nào nâng cấp lên thành tàu đánh bắt xa bờ.

Do vậy, một trong những giải pháp cần được ngành quản lý quan tâm là cùng với đóng mới tàu cá có công suất lớn, cần tổ chức lại sản xuất bằng việc khuyến khích các phương tiện nhỏ, khai thác theo kiểu hủy diệt nguồn lợi thủy sản chuyển đổi ngành nghề thành các tổ hợp tác; tập hợp những lao động riêng lẻ này thành những ngư dân có chuyên môn để làm việc trên các phương tiện đánh bắt xa bờ.

Làm được việc này, Bạc Liêu sẽ giảm bớt các phương tiện khai thác nhỏ, khai thác nghề cấm và hướng ngư dân vào làm ăn tập trung, cùng khai thác các nghề cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu lao động nghề biển như hiện nay.

Không làm theo phong trào

Mới đây, tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67 ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Văn Ninh yêu cầu: “Khi thực hiện nghị định này phải chắc chắn mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân. Thực hiện hết sức thận trọng, cần phải chắc, không làm theo phong trào, không được lợi dụng chính sách để làm lợi...”.

Với thực trạng trong khai thác, đánh bắt thủy sản hiện nay, việc đầu tư có lựa chọn nhằm phát huy hiệu quả đầu tư là hết sức cần thiết. Nếu không, ngư dân lại lâm vào cảnh nợ nần, phá sản. Bài học này đã được rút ra từ việc hỗ trợ đánh bắt xa bờ sau cơn bão số 5 trong năm 1997 (nguồn vốn 985), và đến nay ngư dân vẫn còn mắc nợ hơn 100 tỷ đồng nguồn vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, đa số đều không có khả năng thanh toán.

Trước thực trạng khó khăn trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, Bạc Liêu cần đánh giá và tổ chức lại sản xuất. Nếu không, các chương trình hỗ trợ từ Nghị định 67 sẽ không phát huy hiệu quả và ngư dân cũng không thể vươn ra biển lớn.

K.TRUNG - P.ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.