Ngành Tư pháp Việt Nam: 69 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển

Thứ Năm, 28/08/2014 | 09:17

Cách đây 69 năm (28/8/1945), trong không khí hào hùng của Cách mạng tháng Tám, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập Nội các thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Kể từ ngày đó, ngành Tư pháp của chế độ mới ra đời. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cùng với chính quyền nhân dân, ngành Tư pháp Việt Nam ngày càng trưởng thành và không ngừng phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trần Sơn

Phát huy truyền thống của ngành Tư pháp trong những năm kháng chiến, vào những năm đầu kiến thiết hòa bình ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, Bộ Tư pháp tập trung giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng Hiến pháp mới (Hiến pháp 1959) và các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, về quyền tự do, dân chủ của công dân phù hợp tình hình xã hội mới.

Trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, công tác tham mưu về pháp luật và xây dựng pháp luật của Chính phủ do ngành Pháp chế đảm trách. Ủy ban Pháp chế thuộc Chính phủ được thành lập và hoạt động từ năm 1972. Tính đến năm 1981, ngành Pháp chế đã giúp Nhà nước ban hành gần 50.000 văn bản pháp quy về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, góp phần giữ vững an ninh - chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, kinh tế - kỹ thuật ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đặc biệt, sau ngày thống nhất đất nước, theo sự phân công của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ công bố danh mục pháp luật thống nhất áp dụng trong cả nước với hơn 700 văn bản về những vấn đề thiết yếu, cấp bách nhất nhằm thống nhất thực thi pháp luật quốc gia. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam thống nhất.

Hiến pháp 1980 xác định đường lối quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VII, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Phạm Văn Đồng đã trình đề án tổ chức Bộ Tư pháp. Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái thành lập với chức năng giúp Chính phủ quản lý thống nhất về công tác tư pháp. Từ đó đến nay, hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới (nhất là những năm gần đây), Bộ Tư pháp được giao thêm nhiều trọng trách. Tổ chức ngành ngày càng được củng cố và từng bước mở rộng. Hệ thống tư pháp 4 cấp đã được thành lập, cả nước có hơn 30.000 cán bộ, công chức, viên chức.

Trong 69 năm qua, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và đang trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân theo Nghị quyết Đại hội lần X của Đảng, ngành Tư pháp với chức năng thực thi công tác quản lý nhà nước về tư pháp trên cả nước, đã duy trì và mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp với hàng trăm quốc gia và tổ chức quốc tế. Qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện đường lối, quan điểm chính trị của Đảng trên các lĩnh vực pháp luật và tư pháp; xác lập vị trí và uy tín của Tư pháp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

S.T.P

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.