Ngư dân bám biển: Cần tăng cường đầu tư và tổ chức lại sản xuất

Thứ Sáu, 29/08/2014 | 17:09

Sự ra đời của Nghị định số 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đã làm nức lòng bà con ngư dân. Tuy nhiên, để nghị định này phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra không phải là chuyện dễ dàng. Bởi, đằng sau những chính sách hỗ trợ, Bạc Liêu cũng cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng

Nếu chỉ tập trung đẩy mạnh đầu tư cho ngư dân đánh bắt xa bờ, vươn ra biển lớn thì vẫn chưa thể giúp ngư dân làm giàu từ biển. Vì đằng sau những chuyến ra khơi còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển là rất quan trọng. Nếu hạ tầng thiếu sự đầu tư, phát triển không đồng bộ thì khó có thể phát huy giá trị kinh tế mang lại.

Thu mua thủy, hải sản tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Tú Anh

Nhiều chủ vựa cá kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi cho các chủ vựa thu mua, vì họ cũng là một trong những khâu quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Mặt khác, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và ngư dân là không thể tách rời.

Đơn cử như Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2007, nhưng gần 7 năm qua, Cảng cá Gành Hào vẫn chưa phát huy được hiệu quả đầu tư, cũng như chưa thể đưa Đông Hải trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển. Số vựa cá hoạt động tại cảng cá giảm, lượng hàng hóa qua cảng trung bình chỉ khoảng 1.500 tấn/tháng - một con số khá khiêm tốn.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Cảng cá Gành Hào cho biết: “Số tàu vào cảng để lên xuống hàng hóa chỉ chiếm khoảng 50%, số còn lại doanh nghiệp tự mở vựa bên ngoài để thu mua, hoặc cho người khác thuê mướn. Nguyên nhân là do diện tích cầu cảng quá nhỏ, chỉ đáp ứng cho khoảng 4 - 5 tàu khi lên hàng. Trong khi đó, mỗi tàu lên hàng phải mất từ 3 - 4 giờ nên nhiều tàu khác không thể vào cảng, vì phải đợi lâu, tốn thêm chi phí phát sinh…”.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông và hệ thống thoát nước của cảng cá cũng xuống cấp nghiêm trọng, đường vào cảng loang lổ những ổ voi… Hàng năm, đơn vị quản lý cảng cá phải chi gần 350 triệu đồng để duy tu, lấp vá theo kiểu đối phó, nhằm thu hút phương tiện vào cảng. Riêng hệ thống thoát nước bị sụp lún nghiêm trọng, nước thải không thoát được, thường bốc mùi hôi thối. Đó là chưa kể đến việc thi công tuyến đường Giá Rai - Gành Hào vẫn trong tình trạng thiếu vốn nên chưa hoàn thành.

Bà Thái Ý Nhi, vựa cá Tư Dung (Cảng cá Gành Hào) nói: “Nếu cảng cá được đầu tư mở rộng và đường giao thông làm xong, chắc chắn kinh tế của Đông Hải sẽ rất phát triển, vì cửa biển Gành Hào rất thuận lợi cho các phương tiện đánh bắt thủy sản trong và ngoài tỉnh vào cảng lên hàng. Đồng thời các nghề biển và dịch vụ phục vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển theo. Còn hiện nay, nhiều tàu không vào cảng cá lên hàng mà bán sang các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng…”.

Không thu hút được tàu thuyền vào cảng trao đổi mua bán cũng đồng nghĩa với việc huyện Đông Hải đã mất đi một nguồn thu lớn và kiềm hãm sự phát triển của các ngành nghề, dịch vụ ăn theo. Vì vậy, cùng với hỗ trợ đầu tư cho ngư dân, Bạc Liêu cũng cần tranh thủ vốn từ Nghị định 67 về đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng Cảng cá Gành Hào, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão, đẩy nhanh tiến độ con đường huyết mạch Giá Rai - Gành Hào…

Tổ chức lại sản xuất

Một thực tế đáng trăn trở là ngư dân Bạc Liêu sẽ hưởng lợi không nhiều từ các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67, do phần lớn là phương tiện khai thác có công suất nhỏ hơn 400CV. Bên cạnh đó, một số nghề khai thác thủy sản phần lớn lại không được xếp vào nhóm nghề được ưu tiên hỗ trợ, như nghề lưới kéo, nghề te. Theo ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: “Các nghề được khuyến khích phát triển và hỗ trợ là nghề lưới rê, vây, câu và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, ở Bạc Liêu chỉ có nghề lưới rê và dịch vụ hậu cần nghề cá, còn các nghề khác như vây, câu thì không có”.

Với những quy định hỗ trợ về nghề khai thác cho phương tiện có công suất từ 400CV trở lên, Bạc Liêu chỉ có 19 tàu hoạt động nghề lưới rê và 7 tàu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá được tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Trong khi đó, toàn tỉnh có đến 1.247 phương tiện hoạt động khai thác đánh bắt, dịch vụ thủy sản.

Phản ánh thực tế này để thấy rằng, việc tổ chức lại sản xuất hiện nay là rất cần thiết. Đây không chỉ là việc cần làm để giúp ngư dân phát huy hiệu quả khai thác, đánh bắt, mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến phát triển bền vững.

Mặt khác, việc tổ chức lại sản xuất, phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ còn giúp ngư dân tiếp cận với các nguồn vốn vay từ ngân hàng và hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ dành cho các phương tiện có công suất từ 400CV trở lên. Theo Nghị định 67, tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên thì chủ tàu khai thác thủy sản được hoàn thuế giá trị gia tăng; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với gia đình, cá nhân trực tiếp khai thác hải sản; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động khai thác hải sản, thu nhập từ dịch vụ hậu cần phục vụ trực tiếp cho hoạt động khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển hải sản khai thác xa bờ về đất liền; hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển (tàu 400CV) và 60 triệu đồng/chuyến biển (tàu 800CV); hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa định kỳ…

Cần mở rộng đối tượng

Nghị định 67 tập trung đầu tư và hỗ trợ chủ yếu cho ngư dân chứ chưa thấy phát huy vai trò của doanh nghiệp, những người trực tiếp làm các dịch vụ hậu cần nghề cá. Họ là những người cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tiêu thụ thủy, hải sản cho ngư dân. Và hơn 90% các tàu khai thác thủy sản đều nhận đầu tư trực tiếp từ các chủ vựa cá.

Ông Nguyễn Văn Đây, chủ vựa cá Dư (khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) nói: “Để có thủy sản cung cấp ổn định cho khách hàng, các chủ vựa cá đầu tư cho các phương tiện đánh bắt theo hình thức cho mượn tiền không tính lãi. Ngược lại, các chủ phương tiện phải bán thủy sản cho vựa cá sau mỗi chuyến đánh bắt. Như vựa của tôi phải đầu tư cho hơn 10 tàu cá với mỗi tàu từ 100 - 200 triệu đồng. Vựa nào có tiền thì đầu tư nhiều, vựa nào không có tiền thì cũng phải vay “nóng” với lãi suất từ 10 - 30%/tháng. Nếu không đầu tư cho các chủ tàu, chắc chắn không mua được hàng”.

Với thế mạnh của một tỉnh giàu tiềm năng về kinh tế biển, hy vọng, trong hội nghị triển khai Nghị định 67 sắp tới, Bạc Liêu sẽ đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị cụ thể để khai thác thế mạnh này.

K.TRUNG - P.ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.