Sáng ngời hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ Hai, 01/09/2014 | 16:13

Đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Song, trong niềm vui chung của cả dân tộc lại có biết bao bà mẹ lặng lẽ đưa tay lau dòng nước mắt, bởi con của các mẹ đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Suốt mấy chục năm qua, nỗi đau đó chưa bao giờ nguôi ngoai. Dù có muộn màng nhưng chính sách phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo tiêu chuẩn mới như một niềm an ủi, xoa dịu bớt nỗi đau của các mẹ trong những năm tháng cuối đời.

“Nước mắt mẹ không còn”

Ở cái tuổi 89 nhưng trí nhớ của mẹ Nguyễn Thị Hai (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) vẫn còn minh mẫn. Nhắc về hai người con liệt sĩ của mình, đôi mắt mờ đục của mẹ thoáng buồn, nhìn xa xăm. Mẹ đã “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Ba người con của mẹ trốn gia đình tham gia kháng chiến, hai người đã nằm lại nơi chiến trường, một người là thương binh.

Mẹ Ngô Thị Bảy (bìa phải) cùng các con cháu. Ảnh: H.L

Mẹ Hai vẫn còn nhớ như in cái ngày tổ chức đến báo tin người con trai đầu của mẹ là anh Đặng Văn Thiện hy sinh khi đánh đồn Trà Co - đó là vào một buổi trưa năm 1969. Đất trời như sụp đổ trước mắt mình, nhưng mẹ nén nỗi đau không dám khóc, vì đang ở trong vùng tạm chiếm của địch. Khi người báo tin ra về, mẹ lặng lẽ ra đồng. Bao nhiêu nỗi đau, nỗi nhớ con cứ chực tuôn trào theo những dòng nước mắt.

Suốt 5 năm đi kháng chiến, các con của mẹ chưa một lần về nhà. Lần cuối cùng mẹ đến nơi đóng quân thăm con trong vội vã rồi quay trở về vì sợ quân địch theo dõi.

Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì năm 1974, mẹ lại nhận thêm một tin dữ: người con Đặng Văn Đức hy sinh khi chỉ còn 8 tháng nữa là đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày đất nước độc lập, riêng mẹ vẫn đau đáu một nỗi nhớ về hai người con đã hy sinh.

Chiến tranh đi qua để lại bao mất mát, đau thương. Những người con của các mẹ đã mãi mãi không về. Nhưng trong nỗi đau ấy có cả niềm tự hào, vì các mẹ hiểu rằng, con mình đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước.

Mẹ Huỳnh Thị Chẳng (ấp 33, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) có hai người tham gia kháng chiến, một người là liệt sĩ, một người là thương binh, bản thân chồng mẹ cũng là liệt sĩ. Liệt sĩ Văn Thành Tôn (chồng mẹ) khi ấy giữ chức Quyền Bí thư xã Minh Diệu trong một lần đi họp đã bị địch bắt giữ, tra tấn. Vì không moi được thông tin nào từ người chiến sĩ cách mạng kiên trung nên chúng mang đi chặt đầu.

Chồng mẹ hy sinh tháng 3/1972, thì đến tháng 8/1973, người con trai lớn của mẹ là Văn Ngọc Ẩn hy sinh khi ở tuổi 18. Cứ mỗi lần ra đồng là mẹ lại nhớ con mình, ngày còn sống nó rất giỏi giang trong việc đồng áng, biết đỡ đần công việc cho mẹ. Hôm nào nhà nấu món canh chua, cá rô kho tộ, mẹ lại nhớ đến chồng, đến con…

Kiên trung những người mẹ anh hùng

Trong nỗi đau mất chồng mất con, thì sự kiên cường, lòng dũng cảm trong các mẹ càng trỗi dậy mạnh mẽ. Khi chồng và người con trai lớn lần lượt hy sinh, người con thứ hai đang ở chiến trường, một mình mẹ Huỳnh Thị Chẳng phải gồng gánh nuôi 5 người con còn nhỏ dại. Nén nỗi đau vào lòng, mẹ gượng dậy, tiếp tục sự nghiệp mà chồng và con trai lớn của mẹ còn bỏ dỡ, hăng say chiến đấu để thống nhất nước nhà. Ngôi nhà của mẹ trở thành nơi nuôi giấu bộ đội, tiếp tế lương thực cho quân giải phóng.

Khi hòa bình lập lại, mẹ tiếp tục chống chọi với cái đói cái nghèo bởi hậu quả của những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ngày ấy, bà con lối xóm cứ thấy mẹ suốt ngày trên đồng ruộng, đến bữa chỉ toàn ăn cơm với muối. Vậy mà mẹ vẫn nuôi các con khôn lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng.

Mẹ Ngô Thị Bảy (ấp Tràm Một, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) cũng là một tấm gương kiên trung. Chồng mẹ hy sinh năm 1968, con trai hy sinh năm 1972. Những năm chồng đi kháng chiến, một mình mẹ gồng gánh nuôi 10 người con. Biết chồng mẹ tham gia cách mạng nên bọn giặc thường xuyên đến nhà gây khó dễ. Bản thân mẹ cũng từng bị địch bắt tra khảo vì nuôi chứa cán bộ. Khi chồng hy sinh, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn, mẹ phải đi cấy cả ban đêm và tiếp tục nuôi chứa cán bộ. Mẹ chia sẻ: “Ngày ấy, chồng hy sinh, rồi đến con hy sinh. Nỗi đau quá lớn! Nhưng nghĩ tới những đứa con còn nhỏ dại và nghĩ tới nhiệm vụ của mình nên tôi cố gắng vượt qua”.

Không thể diễn tả hết những nỗi đau, sự mất mát hy sinh và gian khổ mà các mẹ đã phải chịu đựng. Là những người sinh sau, may mắn sống trong đất nước thanh bình, thế hệ hôm nay xin gởi đến các mẹ lời tri ân sâu sắc. Cám ơn các mẹ đã sinh ra những người con ưu tú cho quê hương, cám ơn các mẹ đã nén nỗi đau hy sinh thầm lặng để mang lại sự thanh bình cho đất nước!...

Tuấn Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.