Ân tình ngày giỗ Bác

Thứ Hai, 01/09/2014 | 18:16

Dù chưa một lần vào thăm miền Nam, nhưng trong triệu triệu trái tim người dân miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng luôn hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng kính yêu vô bờ. Vào ngày giỗ hàng năm của Người, ở tận nơi gần cuối trời Tổ quốc, những người con Bạc Liêu bao thế hệ vẫn nhớ và tổ chức lễ giỗ bằng tình cảm thiêng liêng và niềm tự hào sâu sắc…

Người dân ấp Bàu Sen (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) trang trí bàn thờ chuẩn bị lễ giỗ Bác. Ảnh: T.T

Không phải ngẫu nhiên mà Đền thờ Bác Hồ cấp tỉnh được đặt tại xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi). Bởi đó là nơi bắt nguồn cho những câu chuyện xúc động nhất của nhân dân Bạc Liêu nói chung, người dân huyện Vĩnh Lợi nói riêng với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Quay về quá khứ theo ký ức của ông Trần Văn Bảy (ấp Giồng Bướm A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) vào ngày 2/9/1969, khi nghe tin Bác mất, xã Châu Thới như chìm trong mưa và nước mắt. Ngôi nhà lá thờ Bác được quân dân xã cất ngay trong ngày. Bọn lính ngụy tìm đến khám xét, bà con không giấu kịp ảnh thờ Bác, chúng đã đốt trụi ngôi nhà. Quân dân căm phẫn bao vây đồn Tân Tạo, giặc tháo chạy, người dân tràn vào đồn thu gom vũ khí, những thanh sắt mang về tiếp tục dựng Đền thờ Bác. Đền chưa dựng xong, bọn lính lại kéo đến dỡ sạch khung nhà bằng sắt. Chị em phụ nữ không ngại hiểm nguy đã tìm cách thu gom lại những thanh sắt quý hiếm ấy, mang đi cất giấu. Làm nhà lá bị đốt, làm nhà bằng khung sắt thì bị dỡ, quân dân Châu Thới quyết định xây kiên cố, đến ngày thứ năm máy bay địch xả súng trên đầu những người thợ xây đền, quân dân quyết chống trả bằng cách nã súng không cho máy bay áp sát, vừa chiến đấu vừa tiếp tục xây dựng.

Để có được miếng băng tang đeo trong lễ truy điệu Ông Cụ, người dân Châu Thới phải rất dũng cảm và mưu trí, bởi tại những cửa hàng bán vải đều có bọn lính Mỹ canh gác, hễ thấy ai mua vải đỏ, vải đen là chúng bắt ngay. Ngày lễ truy điệu, nếu không có miếng băng tang thì bất cứ ai đều rất tủi thân và đau khổ gấp bội. Sau lễ truy điệu, họ mang mảnh băng tang về cất giữ như một kỷ vật đối với người Cha. Chú Nguyễn Đăng Khoa (ấp Trà Hất) nói: “Cả cuộc đời Ông Cụ vì lo cho dân tộc mà không màng đến hạnh phúc riêng tư. Miếng băng tang gìn giữ như là một tâm nguyện mãi là con của Người, dù Người không sinh ra, nhưng Người đã cho chúng ta một cuộc sống tự do ngày hôm nay”.

Chính từ những ân tình chan chứa ấy, người dân xã Châu Thới ngày nay hầu hết đều treo ảnh Bác và tổ chức giỗ Bác hàng năm vào đúng ngày chính giỗ (2/9). Bàn thờ làm giỗ Bác của mọi người cũng đầy đủ đồ lễ; gia đình ông bà, cha mẹ, con cháu tụ họp dâng hương tưởng nhớ về Người. Ở nhà cô Đặng Kim Khanh (ấp Bàu Sen) thì ngày giỗ Bác năm nào cô cũng làm một mâm cơm giản dị cúng Bác và biết rằng nếu làm sang trọng, lãng phí quá Bác sẽ không vui. Mâm cơm cúng Bác bao giờ cũng có chén mắm tôm và cà pháo - món ăn ưa thích của Bác. Đó cũng là ngày gia đình, ông bà, cha mẹ, cháu chắt quây quần bên nhau, mỗi lần giỗ là một câu chuyện về Bác Hồ sẽ được cô kể cho các cháu nghe. Mỗi lần một ít để các cháu thấm dần.

Dù đã 45 mùa xuân Bác ngủ say trong cõi vĩnh hằng, nhưng trong trái tim những người con miền Nam vẫn quay quắt nhớ Người khôn nguôi. Việc tổ chức lễ giỗ Bác Hồ không chỉ là cách thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mà còn là cách để mỗi người soi rọi bản thân, nhắc nhở mình sống tốt hơn, xứng đáng hơn với sự hy sinh to lớn của Người. Điều này cũng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bao đời của dân tộc Việt Nam. Tưởng nhớ đến Bác cũng chính là để học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong cuộc sống.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.