Nông nghiệp Bạc Liêu không ngừng phát triển

Thứ Hai, 01/09/2014 | 16:21

Sau khi đất nước thống nhất, nông nghiệp Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu tiếp tục làm một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, biến những vùng đất trũng, phèn mặn thành những cánh đồng lúa bạt ngàn. Nhất là từ khi tỉnh Bạc Liêu tái lập (năm 1997) đến nay, nền nông nghiệp tỉnh không ngừng phát triển.

Những thành tựu đạt được

Bạc Liêu có diện tích đất tự nhiên 257.094ha với 56km bờ biển và một ngư trường rộng lớn có trữ lượng tôm, cua, cá khá dồi dào. Nhiều cửa sông, kênh rạch thông ra biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Hiện, Bạc Liêu đã hình thành 3 tiểu vùng sinh thái gồm: tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A (sinh thái ngọt) với diện tích đất tự nhiên 75.720ha; tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL 1A (sinh thái lợ) với diện tích đất tự nhiên 81.504ha; vùng phía Nam QL 1A (sinh thái mặn) với diện tích đất tự nhiên 99.870ha.

* Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

* Mô hình tôm - rừng kết hợp ở huyện Hòa Bình. Ảnh: M.Đ

Trải qua chặng đường 18 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp - nông thôn Bạc Liêu đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, doanh thu bình quân mỗi héc-ta đất nông nghiệp từ 5,42 triệu đồng (năm 1997) tăng lên 168,77 triệu đồng (vào năm 2013). GDP nông - lâm - ngư nghiệp từ hơn 1.125 tỷ đồng (năm 1997) tăng lên hơn 34.978 tỷ đồng (vào năm 2013). Trong 6 tháng đầu năm 2014, GDP nông - lâm - ngư nghiệp đạt hơn 5.990 tỷ đồng.

Ngành Thủy sản tăng nhanh cả về quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng. Tổng sản lượng thủy sản năm 2013 đạt 270.885 tấn, tăng 5,42 lần so với năm 1997. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2013 đạt 127.833ha, tăng 3,03 lần so với năm 1997. Năng suất nuôi trồng thủy sản bình quân 2,41 tạ/ha (năm 1997), tăng lên 12,94 tạ/ha (vào năm 2013).

Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đạt 144.341 tấn. Trong đó, tôm 45.954 tấn, cá và thủy sản khác 98.387 tấn. Sản lượng lúa năm 2013 đạt 1.017.816 tấn, tăng 1,97 lần so với năm 1997. Mức bình quân lương thực đầu người luôn ở mức cao: 714 kg/người (năm 1997) và tăng lên 1.153 kg/người (vào năm 2013). Diện tích cây thực phẩm của tỉnh là 12.186ha và đạt sản lượng rau, đậu 125.000 tấn (năm 2013), tăng 2,58 lần so với năm 1997.

Về chăn nuôi, Bạc Liêu có bước phát triển khá nhanh cả về quy mô đàn, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm thịt, trứng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán luôn được ngành Nông nghiệp quan tâm chỉ đạo. Hiện, diện tích đất lâm phần là 6.140ha, trong đó, diện tích có rừng trong mô hình tôm - rừng 2.194ha.

Nghề muối Bạc Liêu cũng có sự chuyển biến tích cực. Diêm dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất muối đen sang sản xuất muối trắng trải bạt. Bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường 100.000 tấn muối thực phẩm các loại. Các mô hình sản xuất kết hợp như muối - tôm, muối - cá kèo ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến nên năng suất, chất lượng nông - lâm - thủy sản và muối đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nông dân áp dụng như mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng thâm canh và bán thâm canh phát triển bền vững; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng; nuôi kết hợp tôm - cua, cá - lúa, tôm - cá - lúa, lúa - tôm càng xanh; lúa - màu, lúa - cá, tôm - rừng, muối - tôm; mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi cá kèo công nghiệp; các mô hình VACB, VAC, RVACB... đã góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị sản xuất, cải thiện đời sống nông dân.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn

Qua 18 năm tái lập tỉnh, được sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đã tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi khá hoàn chỉnh. Đơn cử là đã xây dựng công trình đê biển dài 52,4km, đê sông dài 397km và bờ bao dài 2.201km; xây 35 cống, đập; 3 công trình kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông. Đồng thời thi công 33 kênh trục cấp 1 dài 720km; 304 kênh cấp 2 dài 1.616km; 753 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.736km; 3.141 kênh cấp 3, kênh nội đồng dài 3.402km. Song song đó, xây dựng 18 trạm bơm nước và 189 ô thủy lợi khép kín; đưa vào khai thác vận hành 115 hệ thống cấp nước tập trung.

Đến nay, toàn tỉnh có 3 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), 6 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí XDNTM, 20 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí XDNTM và 21 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí XDNTM. Các chỉ tiêu về đời sống người dân nông thôn được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch an toàn đạt 54%, tăng 34%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 43%, tăng 23,46%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 43%, tăng 16%; tỷ lệ hộ nông thôn được dùng điện đạt trên 94%, tăng 54%. Toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc xây dựng giao thông nông thôn ấp liền ấp.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nông nghiệp - nông dân và nông thôn Bạc Liêu đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Bởi, nông nghiệp phát triển còn ở trình độ thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Điều kiện sống, thu nhập và mức sống của đa số nông dân còn thua kém xa so với thành thị.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Tỉnh xác định cần đột phá đối với những sản phẩm chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ, cua biển, lúa gạo chất lượng cao, măng tây, ngò rí, muối... để thực hiện tái cơ cấu ngành và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hoàn thiện mô hình cánh đồng mẫu lớn để trở thành các mô hình cánh đồng lớn và triển khai nhân rộng.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm - diêm nghiệp và thủy sản đến năm 2020. Trong đó, chuẩn bị trình phê duyệt quy hoạch thủy lợi; đang triển khai lập quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa; quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với hệ thống lò giết mổ tập trung; quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu và khu rừng Canh Điền (huyện Đông Hải); đề án xã XDNTM… Song song đó, tiến hành xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh lúa gạo, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Từng bước kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nông sản; nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Song song đó, làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo; đẩy nhanh tiến độ, lộ trình XDNTM”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.