Thanh thiếu niên

Giới trẻ với nghịch lý lựa chọn ngành nghề

Thứ Tư, 10/09/2014 | 15:43

Bắt đầu một năm học mới, các trường đại học (ĐH) trong cả nước đang tất bật chuẩn bị khai giảng với gần 400 ngàn sinh viên. Trong khi đó, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (CĐ, TCCN)… vẫn “mót” thí sinh ở nhiều lĩnh vực đào tạo dù chỉ tiêu tuyển là không cao. Nguyên nhân là do phần lớn bạn trẻ đều nghĩ rằng: “ĐH là con đường duy nhất”(?) và điều này đã trở thành chướng ngại vật ngăn cản bước tiến tương lai của họ.

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu trong giờ thực hành. Ảnh: T.T

Trong số hơn 500 ngàn thí sinh rớt ĐH thì có khoảng 50% thí sinh vẫn “nuôi” ước vọng cử nhân bằng việc tiếp tục ôn thi chờ những kỳ thi sau. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội, vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Đa số học sinh do không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên khi trượt ĐH đã chọn đại một ngành, một trường để học, hoặc cố gắng thi đậu vào trường có chữ “đại”. Thế là, có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học, có ngành chỉ lác đác thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.

Tại Trường CĐ Nghề Bạc Liêu, sau 3 năm tuyển sinh và chú trọng đầu tư đào tạo ở 3 ngành nghề trọng điểm do Tổng cục Dạy nghề quy hoạch như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Sửa chữa lắp ráp máy tính; Cơ điện nông thôn. Đồng thời trường còn mở nhiều lớp đào tạo nghề “thời thượng” như: Điện công nghiệp, Điện tử, Công nghệ ô tô, nhưng chỉ thu hút được khoảng 130 sinh viên/năm. Điều đáng nói là hầu hết số sinh viên ra trường gần như đều tìm được việc làm. Đơn cử như năm 2014 là khóa tốt nghiệp đầu tiên của Trường CĐ Nghề sau khi được thành lập, nhiều sinh viên khi tham gia thực tập ở Nhà máy bia, Điện gió, các xí nghiệp, công ty xuất nhập khẩu thủy sản… trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị này nhận ngay với mức lương khởi điểm: 3 triệu đồng/tháng.

Bạn Tống Thành Hiên, sinh viên lớp Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, vì điều kiện kinh tế gia đình nên tôi không thi ĐH. Nhưng đến bây giờ tôi thấy mình rất may mắn, sau 3 năm học CĐ nghề, dù chưa được nhận bằng tốt nghiệp chính thức, nhưng tôi đã được Công ty Chế biến thủy sản Trường Phú nhận ngay sau khi kết thúc đợt thực tập. Bây giờ tôi đã có thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng để phụ giúp gia đình”. Còn bạn Trần Quang Phát, ngay từ khi ngồi trên ghế CĐ nghề, đã có thể làm thêm ở các cửa hàng điện máy. Với sự hoạt bát của tuổi trẻ, Phát còn mở được cửa hàng phụ tùng điện máy nhỏ trên tuyến Quốc lộ 1A với tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Thực tế cho thấy, trong khi nhiều cử nhân ĐH ra trường thất nghiệp thì có không ít học sinh, sinh viên CĐ, TCCN ra trường có việc làm ngay. Nhiều bạn chỉ học 2 năm trung cấp kinh tế nhưng rất dễ xin việc ở các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân. Thị trường lao động hiện nay đang tồn tại nghịch lý, đó là có rất nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, nhưng nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông lại không tuyển được lao động. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu sụt giảm năm 2013 là do chỉ số thành phần chính sách lao động địa phương không được doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. Hiện nay Bạc Liêu đã có hơn 40% lao động đã được đào tạo (đào tạo ngắn hạn), nhưng chất lượng lao động của tỉnh không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hầu hết khi sử dụng phải qua đào tạo lại. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu lao động ở các nước tiên tiến như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… vừa qua đều tìm kiếm lao động tốt nghiệp các trường nghề như: CĐ chế tạo máy, chế biến thực phẩm, hàn công nghệ, CĐ điều dưỡng… nhưng số lượng lao động Bạc Liêu tham gia xuất khẩu lao động ở các thị trường đòi hỏi khá cao này gần như không đạt yêu cầu.

Đã đến lúc cần có sự nhìn nhận đúng đắn hơn trong chọn lựa nghề nghiệp ở giới trẻ. Sự định hướng của ngành chức năng, xã hội cũng cần rõ ràng hơn trong việc công khai nhu cầu, phân bổ, sử dụng lao động… để hướng nghiệp có hiệu quả cho học sinh THPT. Việc cho mở quá nhiều trường ĐH ở khắp các tỉnh, thành cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều cử nhân, thạc sĩ đang phải đi làm công nhân… không có tay nghề.

HOÀNG UYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.