Nhiều doanh nghiệp không được vay vốn tín chấp - vì sao?

Thứ Tư, 10/09/2014 | 15:59

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó có giải pháp tăng cường đầu tư vốn cho doanh nghiệp bằng hình thức cho vay tín chấp.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: Lâm Hỷ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành tiếp Chỉ thị số 25/TC-TTg về việc điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân hàng Nhà nước những tháng cuối năm 2014. Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn cho vay dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.

Nội dung Chỉ thị số 11 và số 25 đều nhấn mạnh vai trò chủ động của ngân hàng và khuyến khích cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp của tỉnh lại phản ánh việc một số ngân hàng không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ!

Nói một cách công bằng, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay theo hình thức tín chấp là do doanh nghiệp chưa minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi, một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc để doanh nghiệp tiếp cận hình thức cho vay này là phải có báo cáo tài chính lành mạnh và được xác nhận của cơ quan chuyên môn như Kiểm toán hoặc ngành Thuế. Đối với yêu cầu này, hầu như doanh nghiệp nào cũng vướng, vì phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động khép kín theo hình thức gia đình, luôn sợ người khác biết được năng lực tài chính. Đó là chưa nói đến những doanh nghiệp cố tình trốn thuế, nợ thuế, vốn ít lại khai nhiều nhằm tranh thủ vốn vay từ các ngân hàng!

Ngoài yêu cầu trên, để tiếp cận hình thức cho vay này, doanh nghiệp còn phải đạt các tiêu chí khác như: xếp hạng tín dụng, không nợ thuế, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả 2 năm liền…

Trên thực tế, Bạc Liêu cũng có vài doanh nghiệp được vay tín chấp do có báo cáo tài chính lành mạnh và chứng minh được tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững, Công ty TNHH MTV CBTS và XNK Thiên Phú, Công ty TNHH CBTS và XNK Trang Khanh…

Để đảm bảo phát triển bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô, việc thận trọng trong đầu tư là cần thiết. Cần quan tâm đến doanh nghiệp, song, cũng không thể không quan tâm đến hoạt động của ngân hàng. Vì suy cho cùng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng phải tự huy động vốn và chịu trách nhiệm về lời, lỗ trong kinh doanh. Do vậy, việc đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn vay là yêu cầu không thể thiếu để cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng phát triển.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.