Hội chợ Thương mại - Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề tỉnh Bạc Liêu năm 2014: Đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu sản phẩm

Thứ Sáu, 12/09/2014 | 16:59

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (XTĐT-TM&DL) năm 2014, Trung tâm XTĐT-TM&DL Bạc Liêu phối hợp với Công ty CP Hội chợ quốc tế và PTNT (IFA) tổ chức Hội chợ Thương mại - Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề tỉnh Bạc Liêu năm 2014. Hội chợ thu hút hơn 200 gian hàng từ 90 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia.

Giới thiệu các sản phẩm đan đát của DNTN Thủy Tuyết.

QUẢNG BÁ TIỀM NĂNG

Ông Trương Tấn Mười, Giám đốc Trung tâm XTĐT-TM&DL cho biết: Thời gian qua, công tác thu hút kêu gọi đầu tư tuy đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng nhìn ở góc độ tổng thể thì sự phát triển của Bạc Liêu vẫn còn chậm so với một số tỉnh, thành trong khu vực. Để công tác này phát triển hơn nữa trong thời gian tới, rất cần sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIV đã đề ra. Đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015. Trong đó, cần quan tâm đến lĩnh vực thu hút đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh đang gặp một số khó khăn nhất định: thị trường bị thu hẹp, sản phẩm hàng hóa chưa phong phú, đa dạng, thiếu thông tin về thị trường, giá cả không ổn định và chưa có đối tác tiêu thụ với số lượng lớn. Vì vậy, cần thiết phải có sự tác động từ các cấp, các ngành nhằm vực dậy tiềm năng sẵn có của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để phát triển hơn nữa việc sản xuất - kinh doanh các sản phẩm từ làng nghề truyền thống, các cơ sở thủ công mỹ nghệ của tỉnh.

Do vậy, một trong những mục đích quan trọng của việc tổ chức Hội chợ Thương mại - Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề tỉnh Bạc Liêu năm 2014 lần này là nhằm triển lãm, giới thiệu hình ảnh quê hương và con người Bạc Liêu, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và những sản phẩm hàng hóa đặc trưng làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Qua đó, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và mời gọi đầu tư. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh quá trình hội nhập phát triển kinh tế địa phương. Đây cũng là cầu nối để các đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong tỉnh có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hợp tác kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân trong tỉnh và các vùng lân cận đến tham quan, vui chơi, giải trí và mua sắm. Theo đó, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài tỉnh, còn có các gian hàng quảng bá sản phẩm nông - lâm - thủy sản và giới thiệu các thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường… từ 6 huyện, thành phố và một số sở, ngành của tỉnh.

Muối đen Đông Hải (Bạc Liêu) được đóng gói thô sơ (ảnh trên) trong khi đó muối Cà Ná (Bình Thuận) được tinh chế mang lại giá trị cao. Ảnh: Kim Trung

NHIỀU SẢN PHẨM MỚI

Có thể nói, hội chợ lần này được thiết kế ở một không gian thoáng, các gian hàng trưng bày được bố trí sắp xếp theo từng khu vực và từng ngành hàng, tạo được ấn tượng, thuận tiện cho khách tham quan, mua sắm. Như khu triển lãm; khu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và hàng tiêu dùng; khu sản phẩm thời trang, giày dép; khu thực phẩm, đồ uống, thủy hải sản các loại; khu trò chơi thiếu nhi; khu sinh vật cảnh, giống cây trồng…

Hội chợ lần này còn giúp các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề giới thiệu nhiều sản phẩm mới với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng. Như mặt hàng đan đát từ tre, trúc, ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt còn có các sản phẩm dùng làm quà lưu niệm, vật trang trí trong các nhà hàng, phòng ngủ như: cây đờn kìm, xe xích lô, đèn rồng, giỏ hoa… Hay với mặt hàng chuỗi cườm cũng đa dạng hơn về mẫu mã với nhiều sản phẩm được kết đẹp, công phu và có nhiều sản phẩm phục vụ làm quà lưu niệm. Ngoài ra, các sản phẩm làng nghề truyền thống khác cũng được cải tiến về mẫu mã, chất lượng như chiếu và dao của làng nghề Ngan Dừa (huyện Hồng Dân).

Theo bà Trương Thị Bạch Thủy, DNTN đan đát Thủy Tuyết (huyện Phước Long): “Hội chợ chính là cơ hội để các làng nghề giới thiệu và quảng bá sản phẩm của mình. Doanh nghiệp chúng tôi luôn tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, vì ngoài học tập, giao lưu còn giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng”.

Cùng với các sản phẩm làng nghề truyền thống, hội chợ còn giúp các huyện giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các đặc sản của địa phương. Như huyện Vĩnh Lợi với lúa Tài nguyên và mắm đồng; huyện Đông Hải với mô hình nuôi tôm sú và các loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao; TP. Bạc Liêu với mô hình nông nghiệp đô thị và các sản phẩm công nghiệp chế biến thức ăn…

BÀI HỌC NÀO ĐƯỢC RÚT RA?

Hội chợ Thương mại - Triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề tỉnh Bạc Liêu năm 2014 tuy có nhiều sản phẩm mới, nhưng vẫn chưa nhiều so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Sản phẩm thô vẫn còn chiếm khá nhiều và chưa có những mặt hàng cho giá trị gia tăng cao. Điều đó sẽ làm cho các thế mạnh này vẫn còn là tiềm năng. Như sản phẩm muối của huyện Đông Hải giới thiệu tại hội chợ không phải là muối tinh chế, mà chỉ là muối đen được đóng gói một cách đơn điệu, chưa tạo được sự hấp dẫn, bắt mắt đối với người tiêu dùng. Trong khi thị trường muối hiện nay, các sản phẩm đều qua chế biến và được đóng gói làm tăng thêm giá trị so với bán muối thô gần 30 - 40 chục lần. Ngay cả món mắm đồng ở huyện Vĩnh Lợi và Hồng Dân cũng thế, mẫu mã, nhãn hiệu chưa thật sự bắt mắt và tạo sự lôi cuốn với người tiêu dùng.

Từ hội chợ này cho thấy, các địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc thu hút đầu tư và phát triển ngành nghề chế biến các mặt hàng nông - thủy sản, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương. Đồng thời tranh thủ cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Như gian hàng trưng bày cà phê được chế biến của huyện Giá Rai, người tiêu dùng chỉ có thể thưởng thức bằng mắt, chứ chưa được dùng thử. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn, thức uống khác thường tranh thủ hội chợ để mời người tiêu dùng thử sản phẩm, thậm chí tặng không sản phẩm với mục đích hướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của đơn vị mình. Đó là chưa nói đến chuyện doanh nghiệp tổ chức văn nghệ, phát tờ rơi để quảng bá sản phẩm…

Với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ hội chợ lần này, thiết nghĩ các ngành, địa phương cần xây dựng dùng các chương trình, kế hoạch quảng bá gắn với giới thiệu tiềm năng, thế mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Đây cũng là một trong những giải pháp để cùng với tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút, kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển.

KIẾT TƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.