Xây dựng giao thông nông thôn: Cần tăng cường vai trò quản lý của địa phương

Thứ Hai, 15/09/2014 | 18:02

Hiện nay, bên cạnh thiếu vốn đầu tư, nhiều công trình giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh còn bị xâm hại nghiêm trọng. Đó là việc người dân phá đường để làm cống lấy nước vào nuôi tôm khiến công trình hư hại, giảm tuổi thọ. Đồng thời, công tác quản lý các công trình GTNT ở địa phương dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Trách nhiệm của ai?

Ở vùng Nam Quốc lộ 1A, tình trạng người dân tùy tiện phá đường để lấy nước vào vuông nuôi tôm khá phổ biến. Ngoài ra, việc bà con đưa xáng cuốc vào nạo vét ao tôm cũng góp phần gây hư hỏng cầu, đường GTNT.

Lộ GTNT bị người dân xã An Phúc (huyện Đông Hải) phá để lấy nước nuôi tôm. Ảnh: P.Đ

Đơn cử như con đường về ấp Minh Thìn (xã An Phúc, huyện Đông Hải) đưa vào khai thác sử dụng chưa bao lâu thì nay đã hư hỏng do người dân đào đường để làm các miệng cống. Còn ở vùng Bắc Quốc lộ 1A, những chiếc máy cày, xáng cuốc, máy gặt đập liên hợp thi nhau chạy trên đường đã tạo nên nhiều ổ voi, làm con đường bị hư hại. Đó là chưa nói đến các miệng cống nằm trên đường bị bể, tạo ra những cái bẫy gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tồn tại bất cập trên, ngoài việc thiếu ý thức bảo dưỡng, gìn giữ các công trình GTNT của nhiều hộ dân, cũng phải thừa nhận việc thiếu trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý. Ông Huỳnh Trường Giang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Hải cho biết: “Hàng năm, vốn đầu tư cho GTNT rất ít, nhưng lại phải dành một phần lớn kinh phí cho công tác duy tu, sửa chữa đường. Vì vậy, cùng với nâng cao ý thức cho người dân, cần phát huy vai trò của các địa phương trong công tác quản lý”.

Tăng cường xã hội hóa

Thực tiễn xây dựng GTNT ở nhiều địa phương cho thấy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa. Bên cạnh việc tăng cường nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cần đẩy mạnh vận động doanh nghiệp, người dân tham gia làm GTNT. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho những công trình còn tồn đọng; tạo điều kiện để xây dựng thêm nhiều công trình GTNT khác. Một số địa phương như Phước Long, Hồng Dân đã chứng minh hiệu quả vai trò xã hội hóa trong xây dựng GTNT.

Theo ông Võ Văn Trường, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phước Long: “Từ đầu năm đến nay, huyện đã đầu tư làm mới hơn 34km lộ GTNT theo chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả đó là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của doanh nghiệp, người dân. Các nhà thầu, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đối ứng trước để xây dựng các công trình nên tiến độ thi công được đảm bảo. Song song đó, huyện có điều kiện để đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường GTNT trên địa bàn. Qua đó, góp phần giải quyết khó khăn trong công tác vận chuyển vật tư, hỗ trợ thi công làm đường GTNT”.

Có thể thấy, xã hội hóa trong xây dựng GTNT đã giải quyết được các khó khăn về vốn, huy động được sức dân đóng góp cho những công trình chung...

Lợi ích thiết thực của việc xã hội hóa không dừng lại ở đầu tư xây dựng mới công trình trong giai đoạn thiếu vốn như hiện nay, mà còn góp phần quản lý cầu đường GTNT. Ông Nguyễn Tấn Dững, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hồng Dân cho rằng: “Ngoài vận động người dân tham gia làm GTNT, cần khuyến khích người dân bảo quản, sửa chữa phần lộ nằm trên phần đất nhà mình. Từ đó, mỗi năm địa phương có thể tiết kiệm được một phần kinh phí sửa chữa lộ GTNT để xây mới nhiều công trình khác”.

Đoàn - Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.