Để pháp luật ngày càng đi vào lòng dân

Thứ Hai, 15/09/2014 | 18:05

Thông tin Hội Luật gia tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Khmer tại chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (tổ chức JIFF) đã chấp nhận dự án của Bạc Liêu trong các đề xuất về hướng tuyên truyền pháp luật đến với người dân ngày càng cụ thể, dễ nghe, dễ hiểu…

Báo cáo viên pháp luật triển khai Luật Khiếu nại cho người dân. Ảnh: M.Đ

Hơn 200 bà con người dân tộc Khmer ở xã Vĩnh Trạch Đông đã có mặt tại chùa từ sáng sớm. Có người tuy không biết chữ, nhưng khi thấy cán bộ văn phòng Hội Luật gia cấp phát tài liệu thì cũng chen vào xin 1 bộ mang về nhờ con đọc để mở mang kiến thức.

Rất nhiều người phải bỏ dở công việc để đến với buổi tuyên truyền pháp luật - đây là điều trăn trở của chính những người tổ chức, phải nói làm sao, giải thích làm sao cho thật dễ hiểu, thật gần gũi và thật hiệu quả. Bởi nếu việc tuyên truyền không tốt, thì bà con vừa không tiếp thu được gì, vừa mất thu nhập trong ngày. “Tôi đi làm thuê, làm mướn kiếm sống mỗi ngày. Nhưng hôm nay nghỉ làm một buổi đi nghe cái này, thấy rất hay. Nghe, đọc tài liệu, cán bộ nói tới đâu, mình cũng hiểu tới đó” - ông Sơn Nên (ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông) hồ hởi cho biết.

Xung quanh khu vực hội trường, có rất nhiều chị em đến dự. Không phải ai cũng hiểu hết nội dung mà các tuyên truyền viên nói, nhưng họ cũng đã dần hình dung được, pháp luật đang rất gần với mình, với những quy định liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mình. Để pháp luật không còn xa lạ với bà con, các luật gia - những tuyên truyền viên pháp luật không tuyên truyền theo kiểu cầm văn bản đọc như kiểu nghị trường, hội nghị. Họ xuất hiện trước hàng trăm bà con, chỉ nói chuyện pháp luật một cách thân tình, như kiểu chia sẻ kinh nghiệm là chính. Chẳng hạn, nói cho bà con biết, nếu bà con muốn khiếu nại một vấn đề gì, thì phải làm sao (tuyên truyền về Luật Khiếu nại); bà con có đất, muốn giữ đất thì phải làm sổ đỏ, khi có tranh chấp xảy ra thì quy trình sẽ như thế nào (tuyên truyền về Luật Đất đai); khi di dời chỗ ở, thì chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ (các quy định về bồi hoàn giải tỏa); khi lập di chúc, không nhất thiết phải chia đều hết cho các con (Luật Dân sự)…

Dù phải ngồi đến trưa trong cái nóng hầm hập (hội trường bị mất điện), nhưng bà con vẫn không bỏ cán bộ mà về. Bởi sau phần tuyên truyền ngắn gọn là phần tư vấn pháp luật tại chỗ. Cô bác có người chuẩn bị sẵn câu hỏi, có người mang cả hồ sơ của mình đến để “thắc mắc” với các “chuyên gia luật”. Một vấn đề pháp luật được đưa ra, không chỉ các luật gia mà bà con cũng tham gia tranh luận.

Những câu từ ngắn gọn, cô đọng với những vấn đề dễ nghe, dễ nhớ… Đó là cách tuyên truyền đang dần mang lại hiệu quả, thổi một luồng gió mới cho hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của tỉnh mà Sở Tư pháp đang triển khai. Người dân - nhất là đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu dường như đã cảm nhận được lợi ích khi đi nghe tuyên truyền pháp luật.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.