Phát triển thương mại: Cần xây dựng, nâng cấp các chợ đầu mối

Thứ Tư, 01/10/2014 | 15:47

Mặc dù ngày càng có nhiều cửa hàng, siêu thị được đầu tư hiện đại, song, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối chính trong mua bán hàng hóa của người dân, đặc biệt là các chợ điểm ở vùng nông thôn. Hệ thống chợ phát triển không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, mà còn tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương.

Thực phẩm tươi sống được bày bán ngay lối ra vào chợ Cầu Xáng gây mất vẻ mỹ quan và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Chí Linh

Tuy nhiên, bên cạnh các chợ được đầu tư xây dựng đúng quy chuẩn, vẫn còn nhiều chợ chưa đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ khác theo quy định. Bên cạnh đó, vẫn còn một số chợ xây dựng đã khá lâu, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, lối đi chật hẹp… Mặc dù các chợ đều có đầu tư hệ thống cống xả thải, nhưng do ý thức kém, một số người vứt rác, thải nước bừa bãi gây ô nhiễm môi trường (như ở chợ Trần Huỳnh, TP. Bạc Liêu). Nhiều chợ tuy được bố trí các lô, sạp bán theo từng ngành hàng, nhưng tiểu thương lại bày bán các mặt hàng tươi sống, thực phẩm đông lạnh ngay bên cạnh các lô bán quần áo. Ngoài ra, một số thực phẩm chế biến sẵn nhưng lại không được che đậy nên bụi, ruồi nhặng bám vào, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nhiều quầy hàng bán thịt, bán rau nằm chung với quán bún, quán cơm…

Một nghịch lý là nhiều chợ truyền thống hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo VSATTP và phòng cháy chữa cháy, nhưng các tiểu thương lại không chịu di dời sang các chợ mới được đầu tư đồng bộ về hạ tầng (như chợ Gành Hào, chợ Kinh Tư ở huyện Đông Hải), gây lãng phí lớn.

Ông Phan Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Mới đây, Sở Công thương phối hợp với cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra về trật tự mua bán và phòng chống cháy nổ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, tiểu thương ở nhiều chợ làm bàn thờ cúng, câu mắc điện không đảm bảo an toàn, phương tiện chữa cháy đã cũ; nghiệp vụ quản lý chợ còn yếu…”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 69 chợ; trong đó có 2 chợ loại 1, 14 chợ loại 2 và 53 chợ loại 3. Điều đáng nói, Bạc Liêu là tỉnh nông nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được chợ nông sản đầu mối mà chỉ có địa điểm tập trung để vận chuyển hàng hóa (chợ Cầu Xáng, TP. Bạc Liêu).

Theo Sở Công thương, để phát triển hệ thống chợ và hướng đến mục tiêu xây dựng văn minh thương mại, Bạc Liêu đã kêu gọi đầu tư xây dựng chợ bằng hình thức xã hội hóa, nhưng các nhà đầu tư chưa mạnh dạn tham gia. Bởi, kinh doanh lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn. Và sau khi đưa chợ vào sử dụng thì phải thu giá thuê mặt bằng và các khoản phí khác đều cao hơn so với chợ truyền thống. Do vậy, việc thu hút đầu tư xây dựng chợ gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, ngành Công thương và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các hình thức kêu gọi đầu tư trong xây dựng chợ. Đồng thời, huy động, tranh thủ thêm các nguồn lực đầu tư để xây chợ gắn với xây dựng văn minh thương mại và phát triển thị trường nội địa.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.